Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 10.860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh tổng thu nhập hoạt động đi ngang và biên lãi thuần suy giảm. Theo báo cáo mới phát hành của VNDIRECT, kết quả này phù hợp với dự phóng, chủ yếu nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh trong quý.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 17.264 tỷ đồng, gần như không đổi so với quý I/2024 (–0,1% svck). Nguyên nhân chính đến từ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4% từ đầu năm, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 3,9%, trong khi biên lãi thuần (NIM) thu hẹp mạnh còn 2,6% (giảm 52 điểm cơ bản svck). Dù vậy, tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao 35,4% đã phần nào giúp Vietcombank giảm chi phí vốn.
Mảng thu nhập ngoài lãi phục hồi khá tích cực, tăng 11,7% svck, chủ yếu nhờ lãi từ giao dịch ngoại hối và các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên, thu từ phí dịch vụ tiếp tục suy giảm mạnh với mức giảm 44%, phản ánh áp lực cạnh tranh trong mảng bán lẻ và thanh toán.
Chi phí hoạt động trong quý tăng 11,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí nhân sự tăng, kéo theo tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tăng lên 32,7%. Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất là chi phí dự phòng giảm tới 50,1%, cho thấy chất lượng tài sản đang ổn định và ngân hàng có thể tạm thời “rút bớt” trích lập dự phòng.
Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu hệ thống, với tỷ lệ nợ xấu (NPL) giữ ở mức 1,0%, nợ nhóm 2 giảm xuống 0,3%, và đặc biệt là tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 216,1% – mức cao nhất toàn ngành. Theo VNDIRECT, đây là lợi thế lớn giúp ngân hàng duy trì sức chống chịu trong môi trường còn nhiều biến động.
Hiện cổ phiếu VCB đang giao dịch quanh mức 57.200 đồng/cp, thấp hơn giá mục tiêu 69.900 đồng mà VNDIRECT đưa ra, tương ứng tiềm năng tăng giá khoảng 22,2%. Với định giá P/E trượt 12 tháng ở mức 14,1x, ROE 18,5%, VNDIRECT duy trì khuyến nghị “Khả quan” đối với cổ phiếu này.