1. Quy định về phạm vi điều chỉnh, khái niệm TCTD và khái niệm ngân hàng
Theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, ngân hàng chính sách (bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) là TCTD. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, các vấn đề liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách không được điều chỉnh bởi Luật Các TCTD mà chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chính vì vậy, quy định về phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã bổ sung quy định: “Tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản của ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Luật này”1.
Để phù hợp với quy định về phạm vi điều chỉnh (đối tượng áp dụng), khái niệm TCTD trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã được giải thích khác với quy định của Luật Các TCTD năm 2010. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi): “TCTD là tổ chức được thành lập theo quy định của Luật này, thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”2. Việc bổ sung cụm từ “được thành lập theo quy định của Luật này” vào khái niệm “TCTD” trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) dẫn đến các ngân hàng chính sách, những ngân hàng không được thành lập theo quy định của Luật Các TCTD không nằm trong ngoại diên của khái niệm TCTD. Cùng với đó, ngân hàng chính sách cũng được lược bỏ khỏi khái niệm ngân hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)3. Với những thay đổi trên, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã bảo đảm sự thống nhất giữa khái niệm “ngân hàng” nói riêng và khái niệm “TCTD” nói chung với quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật.
Tuy nhiên, nếu Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua với những nội dung trên, cũng đặt ra vấn đề với việc sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” trong tên gọi của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD, tuy nhiên, thực tế hai chủ thể trên vẫn đang tồn tại với tên gọi là “ngân hàng”4. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 5 Luật Các TCTD năm 2010: “Tổ chức không phải là TCTD không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “TCTD”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một TCTD”.
2. Quy định về quyền hoạt động ngân hàng
Theo quy định tại Điều 8 Luật Các TCTD năm 2010:
“1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”5.
Thứ nhất, mặc dù có quy định: “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”, tuy nhiên, Luật Các TCTD năm 2010 và Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) không có quy định đề cập đến hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là TCTD và điều kiện cấp giấy phép hoạt động ngân hàng với các tổ chức không phải là TCTD6. Thực tế, từ sau khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực, NHNN không cấp giấy phép hoạt động ngân hàng cho bất kì tổ chức nào không phải là TCTD. Ngoài ra, nội dung quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Các TCTD năm 2010 mâu thuẫn với quy định mang tính nguyên tắc là: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán” (khoản 2 Điều 8 Luật Các TCTD năm 2010).
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn thực hiện các hoạt động ngân hàng. Theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xác định là các TCTD, vì vậy, việc các chủ thể trên thực hiện các hoạt động ngân hàng không vi phạm các quy định của pháp luật về quyền hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được xác định là ngân hàng, là TCTD. Chính vì vậy, nếu Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua theo hướng chỉ “tổ chức được thành lập theo quy định của Luật này” mới được xác định là TCTD, thì lại đặt ra vấn đề về tính hợp pháp trong hoạt động ngân hàng của các chủ thể trên. Có thể có quan điểm cho rằng quy định: “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam” (khoản 1 Điều 8 Luật Các TCTD năm 2010)7 là căn cứ pháp lý cho hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, như đã đề cập khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) bổ sung quy định: “Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Hơn nữa, khác với Luật Các TCTD năm 1997, Luật Các TCTD năm 2010 và Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) không có quy định về hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là TCTD và điều kiện cấp giấy phép hoạt động ngân hàng với các tổ chức không phải là TCTD8.
Thứ hai, về quy định: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.
Vấn đề đặt ra là, giao dịch ký quỹ; giao dịch mua, bán lại chứng khoán có phải là hoạt động ngân hàng không. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2010, hoạt ngân hàng chỉ đơn giản là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ nhận tiền gửi, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế có những hoạt động mang đầy đủ các dấu hiệu của hoạt động ngân hàng (như hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ) nhưng không phải do TCTD thực hiện và không chịu sự điều chỉnh của Luật Các TCTD, vì vậy không được xác định là hoạt động ngân hàng9. Từ đó, có thể khẳng định, một hoạt động khi được xác định là hoạt động ngân hàng thì pháp luật áp dụng, điều chỉnh với hoạt động đó phải là pháp luật ngân hàng.
Trong khi đó, giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán không chịu sự điều chỉnh của Luật Các TCTD mà chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán về ký quỹ, thế chấp tài sản, hạn mức, hạn chế… và chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự về lãi suất10. Chính vì thế, việc xác định “giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán” là hoạt động ngân hàng và công ty chứng khoán là trường hợp ngoại lệ (một tổ chức không phải là TCTD) được thực hiện hoạt động ngân hàng là chưa thật sự thuyết phục. Về giao dịch mua, bán lại chứng khoán, pháp luật Việt Nam hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này11. Thực tế các công ty chứng khoán ở Việt Nam hiện nay không cung cấp loại hình dịch vụ này.
3. Khái niệm ngân hàng thương mại nhà nước đặt trong mối liên hệ với khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Luật Các TCTD năm 2010 và Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) không đưa ra định nghĩa về khái niệm ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, từ quy định “Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” tại khoản 2 Điều 6 Luật Các TCTD năm 2010 (khoản 2 Điều 6 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)), có thể khẳng định ngân hàng thương mại nhà nước là ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Đặt trong mối liên hệ với các quy định khác tại Điều 6 Luật Các TCTD năm 2010 có thể khẳng định, quy định trên chỉ có ý nghĩa trong việc xác định hình thức pháp lý của các ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, thực tế quy định trên đã dẫn đến sự xuất hiện loại hình ngân hàng thương mại nhà nước bên cạnh các loại hình ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần. Vấn đề đặt ra là, khái niệm ngân hàng thương mại nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Các TCTD 2010 có phù hợp với khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2010?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”12. Các ngân hàng thương mại về bản chất cũng là các doanh nghiệp, cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì tất cả các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đều là doanh nghiệp Nhà nước.
Thực tế, trong một số trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn sử dụng khái niệm ngân hàng thương mại nhà nước để chỉ các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ví dụ: Tại mục 7.a Phần II (nhiệm vụ và giải pháp cụ thể) Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đã xác định: “Các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến, chủ động hội nhập quốc tế; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của NHNN.
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam): Tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài”.
Với thực trạng hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, có thể khẳng định, các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng trong nội dung trên không chỉ được sử dụng để chỉ các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, mà được sử dụng để chỉ các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó có các ngân hàng lớn như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Ngoài ra, khái niệm TCTD nhà nước trong Thông tư số 21/2021/TT-NHNN ngày 28/12/2021 của Thống đốc NHNN cũng được sử dụng để chỉ các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ13.
4. Quy định về cấp giấy phép thành lập TCTD, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại
Thứ nhất, về tên gọi của Chương II Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
Tên gọi “Giấy phép” và nội dung của Chương II Luật Các TCTD năm 2010 về cơ bản được được kế thừa trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Tuy nhiên, ngoài các nội dung về thẩm quyền cấp giấy phép, điều kiện cấp giấy phép, thời hạn cấp giấy phép… Chương II Luật Các TCTD năm 2010 và Chương II Luật Các TCTD (sửa đổi) còn quy định về nhiều vấn đề khác liên quan đến thành lập TCTD như đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, công bố thông tin, khai trương hoạt động. Có thể thấy tên gọi “Giấy phép” chưa bao quát hết các nội dung được quy định trong chương. Cùng quy định về vấn đề trên, Luật Hợp tác xã năm 2012 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 sử dụng tên gọi “Thành lập hợp tác xã” và “Thành lập doanh nghiệp”. Để bảo đảm tên gọi bao quát hết các nội dung được quy định và sự tương thích với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, cơ quan soạn thảo có thể xem xét, cân nhắc lại tên gọi của Chương II trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
Thứ hai, về vị trí của điều luật quy định về “Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại”.
Điều 29 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) quy định về “Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại”. Tuy nhiên, tương tự Luật Các TCTD năm 2010, quy định trên không được đặt tại Chương II cùng với các quy định về giấy phép, mà đang được bố cục tại Chương III với tên gọi “Tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD”. Để bảo đảm nội dung của điều luật phù hợp với tên gọi và nội dung chương, cơ quan soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh vị trí của Điều 29 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) (Điều 30 Luật Các TCTD năm 2010).
5. Quy định về miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, điều hành
Luật Doanh nghiệp năm 2020 có sự phân biệt giữa miễn nhiệm và bãi nhiệm. Căn cứ vào quy định tại Điều 160, Điều 174 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thể hiểu, miễn nhiệm là cho một người thôi giữ chức vụ, căn cứ miễn nhiệm có thể là do người đó không còn đáp ứng đủ điều kiện giữ chức vụ theo quy định hoặc theo nguyện vọng của người đó. Trong khi đó, bãi nhiệm là buộc một người thôi giữ chức vụ, căn cứ bãi nhiệm là do người đó vi phạm quy định hoặc không còn đủ tín nhiệm nữa14.
Tuy nhiên, trong Luật Các TCTD năm 2010 và Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) không có sự phân biệt giữa miễn nhiệm và bãi nhiệm. Theo quy định tại Điều 36 Luật Các TCTD năm 2010 và Điều 35 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD bị miễn nhiệm, bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Có đơn xin từ chức gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của TCTD;
c) Không tham gia hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
d) Không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định;
đ) Thành viên độc lập của Hội đồng quản trị không bảo đảm yêu cầu về tính độc lập;
e) Các trường hợp khác do Điều lệ của TCTD quy định”.
6. Một số góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)
Thứ nhất, về khái niệm TCTD.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên cân nhắc việc bổ sung cụm từ “được thành lập theo quy định của Luật này” vào khái niệm TCTD tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Như đã phân tích, cùng với việc bổ sung quy định: “Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ” việc bổ sung cụm từ “được thành lập theo quy định của Luật này” sẽ dẫn đến việc các ngân hàng chính sách sẽ không phải là TCTD. Khi đó, sẽ đặt ra vấn đề với việc sử dụng cụm từ “ngân hàng” trong tên của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và quyền hoạt động ngân hàng của các chủ thể trên.
Thứ hai, về quyền hoạt động ngân hàng.
- Lược bỏ quy định “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam” tại khoản 1 Điều 8 Luật Các TCTD năm 2010, để bảo đảm sự thống nhất, nhất quán giữa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
- Lược bỏ quy định “trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán” tại khoản 2 Điều 8 Luật Các TCTD năm 2010. Như đã phân tích, một hoạt động khi đã xác định là hoạt động ngân hàng, thì phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngân hàng. Trong khi đó, loại chứng khoán được giao dịch ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ, tài sản thế chấp, xử lý tài sản thế chấp, hạn mức ký quỹ được điều chỉnh bởi pháp luật chứng khoán, còn lãi suất trong quan hệ “giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán” được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.
Thứ ba, về khái niệm ngân hàng thương mại nhà nước.
Để bảo đảm sự thống nhất với khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, quy định “Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” tại khoản 2 Điều 6 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nên được cân nhắc sửa đổi thành “Ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên”.
Thứ tư, về cấp giấy phép thành lập TCTD, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại.
- Cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc sử dụng tên gọi “Thành lập TCTD” thay cho tên gọi “Giấy phép”15, để bao hàm hết các nội dung được quy định và bảo đảm sự thống nhất với cách đặt tên của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Để bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của điều luật và tên chương, cơ quan soạn thảo nên xem xét, cân nhắc chuyển vị trí Điều 29 (Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại) Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) từ Chương III (tổ chức, quản trị, điều hành TCTD) về Chương II (giấy phép).
Thứ năm, về miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý, điều hành TCTD.
Để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và có sự phân biệt giữa miễn nhiệm và bãi nhiệm, Điều 35 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nên được xem xét, cân nhắc sửa đổi theo hướng quy định riêng căn cứ miễn nhiệm và bãi nhiệm. Theo đó, căn cứ miễn nhiệm là các trường hợp người quản lý, điều hành không còn đáp ứng đủ điều kiện giữ chức vụ theo quy định hoặc theo nguyện vọng của người đó; căn cứ bãi nhiệm là các trường hợp người quản lý, điều hành vi phạm quy định hoặc không còn đủ tín nhiệm nữa.
1 Khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
2 Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2010, “TCTD là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”.
3 Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), “Ngân hàng là loại hình TCTD có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã”.
4 Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
5 Quy định trên được giữ nguyên trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
6 Trong Luật Các TCTD năm 1997 vấn đề này được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 22.
7 Quy định trên được giữ nguyên tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
8 Xem thêm: Điều 13 và Điều 22 Luật Các TCTD năm 1997. Quy định về quyền hoạt động ngân hàng sẽ được trao đổi, bàn luận cụ thể ở phần tiếp theo của bài viết.
9 Vấn đề lãi suất trong kinh doanh dịch vụ cầm đồ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.
10 Xem thêm: điểm b khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán năm 2019 và Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán được ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK ngày 25/01/2017 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
11 Thực tế: năm 2009, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch mua - bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn không có một văn bản nào quy định, hướng dẫn về hướng dẫn giao dịch mua - bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Xem thêm: https://www.ssc.gov.vn/webcenter/portal/ssc/pages_r/l/chitit?dDocName=APPSSCGOVVN162071522
12 Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
13 Xem thêm: Thông tư số 21/2021/TT-NHNN ngày 28/12/2021 của Thống đốc NHNN quy định về việc các TCTD nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
14 Luật Doanh nghiệp năm 2005 không có sự phân biệt giữa căn cứ miễn nhiệm và bãi nhiệm (Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các căn cứ miễn nhiệm còn việc bãi nhiệm là theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
15 Tên của Chương II Luật Các TCTD 2010 (Chương II Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)).
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Các TCTD năm 1997.
2. Luật Các TCTD năm 2010.
3. Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
4. Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Luật Doanh nghiệp năm 2005.
7. Luật Doanh nghiệp năm 2014.
8. Luật Chứng khoán năm 2019.
9. Luật Doanh nghiệp năm 2020.
10. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ .
11. Thông tư số 21/2021/TT-NHNN ngày 28/12/2021 của Thống đốc NHNN.
12. Quyết định số 87/QĐ-UBCK ngày 25/01/2017 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
13.https://www.ssc.gov.vn/webcenter/portal/ssc/pages_r/l/chitit?dDocName=APPSSCGOVVN162071522
14. https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/htctctd/nh/nhtm/nhtmnn?
TS. Đỗ Mạnh Phương
Khoa Luật - Học viện Ngân hàng