Mỹ có thêm thị trường xuất khẩu LNG 'béo bở', Nga chính thức 'đánh rơi' thị phần
Thị phần của Nga tại châu lục này đã giảm đến 1/3 so với cùng kỳ năm trước trong khi Mỹ ‘bội thu’.
Dữ liệu mới tiết lộ rằng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ được giao cho Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gần 20% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể trong giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 23 tháng 4, lượng LNG từ Mỹ vào châu Âu đã tăng từ 4,1 bcm lên 4,8 bcm, tương ứng tăng 18%. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc Tây Ban Nha mua nhiều hơn loại khí lạnh này, dữ liệu do Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cung cấp.

Cũng trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG của Nga cho EU, chủ yếu từ nhà máy LNG Arctic Yamal, đã giảm 35% từ 1,8 xuống còn 1,1 bcm.

Toàn bộ lục địa châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 80% lượng xuất khẩu của Mỹ. Các nước nhập khẩu lớn nhất là Pháp mua 14,3% sản lượng của Mỹ, tiếp theo là Vương quốc Anh với 13,6% và Thổ Nhĩ Kỳ với 12,2%. Lượng xuất khẩu của Mỹ sang Tây Ban Nha tăng đáng kể, tăng gấp 5 lần lên gần 1,2 bcm.
Một số quan chức châu Âu cho biết họ sẵn sàng mua nhiều năng lượng hơn từ Mỹ bởi mối đe dọa về thuế quan vẫn còn hiện hữu. EU cũng đang xem xét về việc nới lỏng các quy tắc phát thải khí metan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao hàng tại Mỹ.
Trong khi đó, lượng khí đốt do Nga cung cấp cho EU phải đối mặt với nhiều trở ngại khi giảm 35% so với cùng kỳ tháng 4 năm 2024. Nhà cung cấp Novatek của Nga cũng phải đối mặt với việc dừng hoạt động bất ngờ của dây chuyền Train 3 thuộc nhà máy Yamal LNG vào tháng 4.
Ngoài ra lệnh cấm trung chuyển của EU có hiệu lực vào cuối tháng 3 cũng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga. Theo chính sách mới, các nhà ga của EU bị cấm nạp LNG từ Nga. Kể từ đó, Novatek đã phải dùng đến hình thức chuyển tàu sang tàu (ship to ship/STS). Kể từ đầu năm, điểm trung chuyển chính tại Đảo Kildin gần Murmansk đã chứng kiến 17 hoạt động STS như vậy, gần bằng con số 18 được ghi nhận trong cả năm 2024.
Xuất khẩu LNG toàn cầu của Nga đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn tháng 4. Trung Quốc đã giảm lượng nhập khẩu từ 1,0 bcm năm 2024 xuống còn 0,4 bcm trong năm nay.
Tuy nhiên Nga cũng có những tín hiệu tích cực cho riêng mình. Moscow vừa đạt được thỏa thuận cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt dài hạn cho Iran trong dài hạn, hãng thông tấn Shana cho biết.
Thỏa thuận trên đạt được trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Mohsen Paknejad và Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Tsivilev tại Moscow ngày 25/4. Nga có thể cung cấp 1,8 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho Iran trong năm nay dù 2 bên vẫn chưa thỏa thuận về giá cả.
Theo Reuters, Đại sứ Trung Quốc tại Nga cho biết Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong năm 2025. Ông cho biết, Nga đã tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc trong nhiều năm về việc xây dựng Power of Siberia-2 để vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ khu vực Yamal ở miền bắc nước Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể thống nhất về các điều khoản giao khí đốt.
Theo hãng thông tấn TASS, trích dẫn dữ liệu hải quan của Trung Quốc, xuất khẩu khí đốt LNG của Nga sang Trung Quốc năm 2024 đã tăng 3,3% lên 8,3 triệu tấn. Nga là nước cung cấp khí đốt LNG lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Australia và Qatar với Trung Quốc là nước nhập khẩu khí đốt LNG lớn nhất thế giới. Malaysia và Mỹ cũng là những nước xuất khẩu LNG lớn sang Trung Quốc.
Theo Reuters, FT