Cảnh báo số ca mắc về bệnh dại có xu hướng tăng trở lại Nên và không nên làm gì khi bị động vật cắn để tránh tử vong |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023 cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022; 500.000 người phải tiêm ngừa vaccine dại, chi phí lên tới 600 tỷ đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca tử vong cao do bệnh dại là: Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca.
Bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể |
Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong dại trên người chủ yếu do người bị chó, mèo cắn không tiêm phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo còn thấp.
Bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.
Các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại như: Sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của virus dại.
Qua thống kê, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại do người bệnh không đi tiêm phòng sau khi bị động vật cắn, cào. Người dân nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đi tiêm phòng. Đây là cách nghĩ không đúng, vì tiêm ngừa bệnh dại đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ...
Vì vậy, ngay sau khi bị chó, mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70 độ. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật là: Sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
Dại là bệnh gây tử vong 100%, tuy nhiên có thể đề phòng. Phòng ngừa bệnh dại là cách duy nhất để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do mắc bệnh dại. Việc tiêm vacine dại trước và sau khi tiếp xúc với virus dại giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại virus dại. Để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng, số lần tiêm theo quy định để đạt được đáp ứng miễn dịch hoàn chỉnh. |
Tâm An