Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững Kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025: Thách thức không nhỏ! Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam-Lào cần có đột phá |
Tín hiệu tích cực từ thế giới
Trong một báo cáo mới đây, W.Research dự báo, kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2024 sẽ khó có sự chuyển biến lớn, các nền kinh tế lớn đồng thời là đối tác thương mại của Việt Nam đều đang gặp phải những vấn đề riêng biệt. Tuy nhiên, nửa sau năm 2024 và giai đoạn đầu năm 2025, kinh tế thế giới có thể phục hồi.
Bởi, giai đoạn nửa sau năm 2024, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. (Ảnh: VNN) |
“Mỹ sẽ là quốc gia cắt giảm lãi suất đầu tiên, có thể quý II/2024, theo sau là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE)”, báo cáo của W.Research nêu.
Tuy nhiên, không loại trừ các khả năng như xung đột chính trị tiếp tục leo thang, nhiều quốc gia khác tiếp tục thắt chặt tiền tệ, hoặc biến đổi khí hậu gây ra các thảm họa toàn cầu,... những yếu tố này có thể cản bước tiến của nền kinh tế thế giới.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, W.Research dự báo, năm 2024 tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng chậm, thấp hơn trung bình 5 năm trước, do người dân bị ảnh hưởng, vốn phần lớn bị “chôn” trong bất động sản.
Trong khi đó, một số ngành nghề như du lịch, bất động sản, một số ngành công nghiệp sẽ có đà phục hồi dần. Đặc biệt, xuất khẩu có thể tăng trưởng tích cực do hồi phục niềm tin tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính như thị trường Mỹ. Có thể có sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu do ổn định và tích cực của thị trường quốc tế.
Riêng dòng vốn FDI vẫn duy trì ở mức cao, song có thể chịu áp lực khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê (GSO) cũng vừa đưa ra đưa ra dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam.
Đối với kinh tế thế giới, GSO dự báo, năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Nợ công tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.
Đối với kinh tế Việt Nam, GSO cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Đồng thời, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
GSO nhấn mạnh: Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước.
“Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng”, GSO nêu.
Theo www.congluan.vn