Nắm quyền khi công ty vẫn đang lãi lớn, nữ CEO doanh nghiệp sàn HOSE ra đi để lại khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng
Trong thời gian vị nữ CEO này tại vị, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cao lên đột biến, đây cũng là nguyên nhân khiến công ty này thua lỗ.
Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji (HOSE: KPF) vừa có thông báo chính thức gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, bà Lê Thị Mộng Đào đã có đơn xin từ nhiệm và được Hội đồng Quản trị công ty thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 20/5/2025.

Thông tin được nêu rõ trong Nghị quyết số 05/2025/KPF/NQ-HĐQT ngày 15/5/2025, căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Điều lệ Công ty và đơn từ nhiệm của bà Lê Thị Mộng Đào nộp ngày 14/5/2025. Quyết định miễn nhiệm được đưa ra trên cơ sở biên bản họp Hội đồng Quản trị cùng ngày, thống nhất chấp thuận theo nguyện vọng cá nhân của bà Đào.
Hiện tại, công ty chưa công bố thông tin về nhân sự kế nhiệm cho vị trí Tổng Giám đốc. Các hoạt động điều hành của doanh nghiệp sẽ do Hội đồng Quản trị và các phòng/ban liên quan phối hợp triển khai theo quy định cho đến khi có thông tin mới.
Theo tìm hiểu, bà Lê Thị Mộng Đào có bằng Cử nhân Tài chính, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Đầu tư Tài sản Koji. Bà là thành viên Hội đồng Quản trị công ty từ ngày 31/3/2020 đến ngày 22/3/2022. Đến ngày 12/12/2023, bà được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và giữ chức vụ này cho đến nay.
Trước khi bà Lê Thị Mộng Đào đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc, Đầu tư Tài sản Koji từng ghi nhận giai đoạn tăng trưởng ổn định về kết quả kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt gần 26 tỷ đồng, tăng mạnh lên 76 tỷ đồng trong năm 2021 và duy trì ở mức cao với 71,5 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là thời kỳ mà hoạt động tài chính đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận, nhờ các khoản cổ tức và lãi từ đầu tư.

Tuy nhiên, kể từ khi bà Lê Thị Mộng Đào bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Giám đốc từ tháng 12/2023, công ty bước vào giai đoạn sụt giảm mạnh về hiệu quả kinh doanh. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng, tức giảm hơn 98% so với năm trước đó. Nguyên nhân chính đến từ việc doanh thu hoạt động tài chính lao dốc 58%, chỉ còn hơn 42 tỷ đồng do không còn các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia cũng như không phát sinh lãi từ đầu tư. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng bất thường, gấp 6,5 lần so với năm 2022, lên tới hơn 37 tỷ đồng, tạo áp lực lớn lên kết quả kinh doanh.
Đáng chú ý, ngay trong quý đầu tiên bà Đào lên nắm quyền (quý 4/2023), công ty đã ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26 tỷ đồng, nguyên nhân cũng là do chi phí quản lý doanh nghiệp cao đột biến.
Bức tranh tài chính tiếp tục xấu đi trong năm 2024 khi công ty ghi nhận mức lỗ sau thuế gần 277 tỷ đồng. Đáng chú ý, quý II/2024 chứng kiến mức lỗ sâu nhất với con số âm tới 282 tỷ đồng. Theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản chi phí quản lý doanh nghiệp đột biến lên đến 290 tỷ đồng chỉ trong quý này, trong khi cùng kỳ năm trước chi phí này chưa đến 1 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp chỉ đưa ra thuyết minh ngắn gọn là “phát sinh khoản chi phí bằng tiền khác”, mà không nêu rõ bản chất của khoản mục.

Bước sang quý I/2025, tình hình tài chính vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi công ty tiếp tục báo lỗ thêm khoảng 50 triệu đồng. Diễn biến kéo dài của các khoản lỗ cùng chi phí quản lý doanh nghiệp cao bất thường trong giai đoạn này đặt ra không ít nghi vấn về hiệu quả quản trị và chiến lược điều hành, đặc biệt trong bối cảnh công ty chưa có giải trình rõ ràng trước cổ đông.
Chỉ sau hơn 1 năm khi bà Đào lên năm quyền Tổng Giám đốc, số lợi nhuận sau thuế tích luỹ được từ trước đến nay của đã “bốc hơi” hoàn toàn, từ lãi luỹ kế hơn 142 tỷ đồng và cuối năm 2023, đến nay Đầu tư Tài sản Koji đang lỗ luỹ kế gần 135 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty hồi cuối năm 2023 là gần 806 tỷ đồng nay cũng chỉ còn 532,6 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, từ mức giá khoảng 6.000 đồng/cp vào cuối năm 2023, nay thị giá của cổ phiếu KPF cũng chỉ còn 1.210 đồng/cp.