Vay thêm 2.000 tỷ đồng từ ACB, Chứng khoán FPT dùng vào việc gì?
Giữa lúc dư nợ vượt mức 6.000 tỷ đồng, Chứng khoán FPT tiếp tục muốn vay thêm 2.000 tỷ đồng tại ACB, hé lộ bước đi mới trong chiến lược tài chính.
Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS, HOSE: FTS) vừa công bố thông tin bất thường liên quan đến quyết định vay vốn từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với tổng hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng. Đây là nội dung được Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Văn Dũng ký phê duyệt ngày 15/5/2025, nhằm phục vụ nhu cầu bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Theo nội dung quyết định số 06-2025/QĐ/HĐQT/FTPS, khoản vay sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích: Bổ sung vốn lưu động, đầu tư trái phiếu chính phủ, mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các tài sản tài chính khác theo quy định. Hạn mức tín dụng nói trên có hiệu lực đến hết ngày 11/5/2026 và được cấp dưới hình thức cho vay từng lần hoặc hợp đồng tín dụng khung.
FTS cũng có quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu công ty làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại ACB. Trong đó, Hội đồng quản trị ủy quyền cho ông Nguyễn Điệp Tùng (Tổng Giám đốc) và/hoặc ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc) thay mặt công ty ký kết, nhận nợ và thực hiện toàn bộ các thủ tục pháp lý liên quan.
Việc vay vốn được thực hiện trong bối cảnh tổng dư nợ vay của FTS tính đến cuối tháng 3/2025 đã đạt gần 6.088 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm – toàn bộ đều là vay từ các tổ chức tín dụng. Tại thời điểm này, tổng tài sản của công ty đạt hơn 10.706 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản cho vay với gần 7.612 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay ký quỹ chứng khoán (margin), chiếm hơn 7.000 tỷ đồng. Danh mục tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý qua lãi/lỗ (FVTPL) có giá gốc hơn 1.506 tỷ đồng, đang tạm lãi 37%. Trong đó, các khoản tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi cố định là hơn 839 tỷ đồng, trong khi trái phiếu Chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng đạt gần 651 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh mục cổ phiếu niêm yết, khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH của Công ty CP May Sông Hồng ghi nhận giá trị hơn 572 tỷ đồng, gấp 42 lần giá gốc.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, FTS ghi nhận 312 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động cho vay margin tiếp tục là nguồn thu chính, mang lại gần 174 tỷ đồng – tăng mạnh 34%. Lãi từ tài sản tài chính FVTPL đóng góp thêm 88 tỷ đồng, trong khi mảng môi giới chứng khoán lại giảm 50%, chỉ còn hơn 37 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ cũng tăng mạnh 34%, lên gần 122 tỷ đồng. Đáng kể nhất là chi phí dự phòng tài sản tài chính và các khoản phải thu khó đòi, cùng với chi phí tài chính cho hoạt động vay vốn, đã chiếm tới 77 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận ròng quý I/2025 của FTS đạt gần 153 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2024.