“Nâng giá trị cuộc sống”: Hơn cả một slogan

19/04/2021 - 16:57
(Bankviet.com) - Mỗi ngân hàng sẽ có một logo, slogan của riêng mình. Chúng ta thường thấy các logo, slogan xuất hiện tại các điểm giao dịch, phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng trực tuyến... Nhưng hôm nay, tôi muốn kể cho bạn nghe về slogan “Nâng giá trị cuộc sống” thông qua những mảnh đời thực, những ước mơ thực, những trở trăn rất thực.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Đức, công tác tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Tây Thăng Long.

Mái ấm của Vinh
Nhà của Bùi Văn Vinh ở xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội. Năm nay Vinh học lớp 4 nhưng gương mặt của cậu luôn phảng phất nỗi buồn. Từ khi chào đời cậu chưa từng được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Bố cũng chưa từng tới thăm Vinh, mẹ Vinh dù hơi chậm phát triển về trí tuệ nhưng vẫn đi làm ăn xa để kiếm kế sinh nhai. Mẹ để Vinh lại cho bà ngoại chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Điểm (bà ngoại của Vinh) nhớ lại: lúc ấy, hai bà cháu ở trong một túp lều tranh dột nát. Vinh hãy còn đỏ hỏn, không có mẹ bên cạnh nên quấy khóc liên hồi. Bà vừa làm bà, vừa làm mẹ. Bà bế Vinh đi khắp các nhà có con nhỏ trong xã để xin sữa mẹ, có người thương tình thì mua cho Vinh sữa công thức. Trải qua năm tháng vất vả, Vinh cũng lớn lên bằng bạn bằng bè, chăm ngoan phụ giúp bà việc nhà.
Nhưng rồi túp lều che mưa nắng cho hai bà cháu Vinh qua một cơn hỏa hoạn cuối năm 2017 cũng chẳng còn nữa. Sự cố từ chiếc bếp gas đã thiêu rụi toàn bộ túp lều. Bà Điểm không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu để cho Vinh một mái nhà. 
Nắm bắt được thông tin về trường hợp đặc biệt của bà Điểm, đại điện UBMTTQ xã Trung Giã đã tới thăm, kêu gọi người dân dựng lán tạm và hỗ trợ hai bà cháu 4 triệu đồng ăn Tết. Đón nhận sự hỗ trợ từ chính quyền và xóm làng, mắt bà Điểm nhạt nhòa nước. Điều tuyệt vời hơn đối với bà Điểm, với Vinh là đại diện UBMTTQ xã Trung Giã thông báo sẽ nhanh chóng hoàn tất hồ sơ về trường hợp của bà để được cấp trên phê duyệt nhận tài trợ xây dựng nhà đại đoàn kết từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. 
Từ sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cộng thêm với sự trợ đỡ từ chính quyền địa phương, anh em, bà con lối xóm nên quý 2 năm 2018 Vinh đã có một ngôi nhà kiên cố để cùng bà ngoại sinh sống. Ngày khánh thành ngôi nhà bà Điểm lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn sự cảm động. Còn với Vinh, nhà không chỉ đơn giản là nhà, mà đó là một mái ấm đầy ắp sự yêu thương của bà ngoại.

Ước mơ của Nang
Cách nơi cậu bé Vinh ở 350km là trường THPT Bình Lư của nữ sinh Lò Thị Nang (trường đặt tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Nang là người dân tộc thiểu số Lào. Nhà của Nang ở bản Nà Luồng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ xen kẽ với những ruộng bậc thang uốn lượn. Cả bản của Nang có hơn 90 hộ dân quanh năm lam lũ bám rừng, bám ruộng để sống. Việc học lên những cấp học phổ thông ở bản đã là một sự thử thách rất lớn, giấc mơ học đại học cứ như những mầm non chỉ vừa kịp nhú lên giữa đại ngàn.
Nang là con thứ 4 trong gia đình. Khác với các anh chị và bạn bè của mình, Nang muốn bước xa hơn trên con đường tri thức. Đường đến trường gập ghềnh khó đi nhưng không cản được ý chí của Nang. Có một ước mơ bỏng cháy luôn nung nấu trong tâm trí của Nang, đó là được trở thành nữ bác sỹ quân y. Nang muốn được cứu chữa người bệnh, được trở thành bác sỹ đầu tiên của bản Nà Luồng. Nhà xa trường thì Nang xin bố mẹ cho ở lại khu nội trú, học ngày chưa đủ thì Nang học thêm cả tối. 
Thầy Hoàng Văn Hùng, phó Hiệu trưởng trường THPT Bình Lư chia sẻ: Hầu hết các em học sinh ở các bản xa thị trấn Tam Đường đều ở nội trú. Trước kia nhà trường chỉ có 5 phòng bán trú cấp 4 đã xuống cấp do xây dựng từ lâu. Ban lãnh đạo nhà trường rất trăn trở trong việc muốn mở rộng, nâng cấp khu nội trú cho học sinh để các em có nơi ở tươm tất, các em không phải lo nơi ăn chốn ở thì mới chuyên tâm vào học hành.
Thấu hiểu được sự mong mỏi của thầy và trò trường THPT Bình Lư, UBND tỉnh Lai Châu đã trích một phần trong tổng nguồn kinh phí 10 tỷ đồng được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tài trợ để xây dựng khu nhà nội trú kiên cố cho học sinh. Tháng 1/2016, khu nhà nội trú khang trang với đầy đủ trang thiết bị được đưa vào sử dụng. Ngày chuyển vào nhà mới, Nang và các bạn của mình vui lắm. Nang bảo, khu nội trú với chúng em không chỉ là nơi ở đơn thuần mà đã trở thành gia đình thứ 2. Ở đó mỗi ngày chúng em đều cố gắng học hành để biến ước mơ của riêng mình trở thành sự thật.
Đồng hành với chiến sỹ áo bluse trắng nơi biển xanh
Cách đất liền (Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) 97 hải lý là Côn Đảo. Nơi đây có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa nên việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân được đặc biệt trú trọng. Nhưng do cách biệt đất liền nên đơn vị khám chữa bệnh ở Côn Đảo được tổ chức kết hợp giữa Trung tâm y tế huyện Côn Đảo và Bệnh xá quân y của Ban chỉ huy quân sự huyện Côn Đảo thành Trung tâm Quân Dân Y Côn Đảo.
Ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm cho biết: Việc đảm bảo sẵn sàng phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho hơn 7000 người sinh sống trên huyện đảo và khách du lịch là một thử thách lớn với Trung Tâm. Với nguồn nhân lực mỏng, cơ sở vật chất còn eo hẹp nên đội ngũ y bác sỹ ở Trung Tâm luôn phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba trong công việc. 
Những trời đất thuận hòa việc chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân gặp phải những khó khăn nhất định, còn những ngày biển động thì trong lòng người đứng đầu Trung Tâm cũng như lửa đốt. Công tác cứu chữa bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do việc di chuyển, vận chuyển bệnh nhân rất nguy hiểm, gian nan. Ông chỉ mong đồng đội của mình và bệnh nhân về đến Trung Tâm an toàn. Đó là những nỗi lo thường trực mà một vị bác sỹ quân y đã nhiều năm lăn lộn ở Côn Đảo vẫn luôn canh cánh trong lòng. Và rồi tháng 6 năm 2016 Trung Tâm được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tặng xe cứu thương chất lượng cao. Với trang thiết bị đầy đủ, trong 5 năm qua chiếc xe đã chuyên chở hàng nghìn lượt bệnh nhân tới điều trị tại Trung Tâm.

“Khi xã hội cùng chung tay với đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm Quân dân y Côn Đảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sức khỏe người dân ổn định để họ yên tâm lao động, công tác, sinh sống trên đảo thì sẽ góp phần rất lớn để bảo vệ chủ quyền an ninh của Tổ quốc” – Giám đốc Trần Văn Thanh chia sẻ.
Những tiếng sóng ở Côn Đảo vẫn vỗ rì rào, những ước mơ của Nang cùng các bạn của mình thắp lên từng đêm theo ánh cửa sổ khu nội trú, và những đôi mắt trong veo của Vinh, của những người có hoàn cảnh khó khăn như bà Điểm vẫn tin những điều tử tế, tươi đẹp luôn hiện hữu trong cuộc sống. 
Còn với chúng tôi, những người hàng ngày khoác lên mình bộ đồng phục Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam thì “Nâng giá trị cuộc sống” đâu phải chỉ là một câu slogan, mà đó là một dòng chảy văn hóa, một truyền thống được các thế hệ sau kế thừa và phát huy từ các thế hệ trước.

NGUYỄN THỊ ĐỨC

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ