Ngân hàng cấp tập tăng vốn

18/05/2021 - 06:41
(Bankviet.com) Hiện phần lớn các ngân hàng đã tiến hành xong đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo và thông qua thì một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là tăng vốn điều lệ.

Đơn cử tại ĐHĐCĐ thường niên của SHB, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB cho biết đối với phương án tăng vốn điều lệ, năm 2021 SHB dự kiến tăng vốn lên 26.674 tỷ đồng. Trong đó nguồn thứ nhất tăng thêm từ việc SHB chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông tỷ lệ 10% đã được NHNN và Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận, dự kiến thời gian thực hiện trong tháng 5/2021. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức hơn 19.260 tỷ đồng. Đối với nguồn thứ hai, ông Lê cho biết là từ việc chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5%.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, VPBank cũng tuyên bố sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng. Nhà băng này cho biết đang lên kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Hay như với MB, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc cho biết, ĐHĐCĐ của ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 10.700 tỷ đồng (gần 40%).

Một loạt các ngân hàng khác cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn của mình: HDBank dự kiến tăng 4.000 tỷ đồng lên hơn 20.110 tỷ đồng; MSB tăng hơn 3.525 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng; ACB tăng thêm khoảng 5.400 tỷ đồng lên mức trên 27.000 tỷ đồng; SeABank dự kiến tăng hơn 3.000 tỷ đồng lên 15.200 tỷ đồng…

Với khối Big4, Vietcombank cho biết sẽ tăng thêm khoảng 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng với hai cấu phần đến từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và từ phát hành cổ phiếu riêng. BIDV dự kiến tăng thêm 8.304 tỷ đồng và sẽ chạm mức 48.524 tỷ đồng, tăng 20,6% so với thời điểm 31/12/2020. Phương án tăng vốn cũng gồm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019; phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020. Đồng thời dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ…

TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trung bình từ 10-12%, trong khi dư nợ tín dụng tăng bình quân 14%/năm. Theo chuyên gia này, với mức tăng như vậy thì các nhà băng buộc phải tăng vốn để có thể đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu như quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Lựa chọn phù hợp với chiến lược

Một trong những giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 là đẩy nhanh tiến trình nâng cao năng lực, hiệu quả của các TCTD, bao gồm các NHTM, nhất là năng lực tài chính, áp dụng chuẩn mực quản trị và Basel II, III.

Tăng vốn điều lệ không chỉ giúp nâng cao sức khoẻ tài chính của mỗi nhà băng, gia tăng dự phòng rủi ro tín dụng mà việc củng cố nền tảng vốn, đảm bảo được hệ số CAR theo chuẩn Basel II, qua đó sẽ giúp các ngân hàng mở rộng khả năng cung tín dụng cho khách hàng.

Có thể thấy, việc tăng vốn của các ngân hàng có nhiều cách: tăng vốn bằng lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại phương án tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại được cho là khả thi nhất và các ngân hàng có thể chủ động được với phương án này.

TS.Châu Đình Linh chia sẻ, chính sách cổ tức sẽ gắn liền với kế hoạch tăng vốn của mỗi ngân hàng. "Việc tăng vốn quan trọng nhất là làm sao phù hợp với chiến lược đề ra, phù hợp với chính sách cổ tức, cân bằng giữa giá trị cổ phiếu, hoạt động sắp tới, lợi ích cổ đông, cơ cấu tài chính…", chuyên gia này cho biết.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng là một phương án được nhiều nhà băng lựa chọn. Như trong năm 2020, OCB đã thực hiện thành công tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Aozora Bank hiện đang là cổ đông chiến lược nắm 15% vốn chủ sở hữu của OCB và có 2 thành viên tham gia HĐQT của nhà băng này.

Hay như tại VPBank, đây là nhà băng ngay trước ĐHĐCĐ đã hoàn thành ký kết hợp đồng chuyển nhượng 49% vốn FE Credit cho nhà đầu tư SMBC của Nhật Bản và 1% cho Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC). SMBC định giá FE Credit 2,8 tỷ USD, và VPBank có thể thu về 1,4 tỷ USD từ thương vụ này. Sau khi bán, CAR của ngân hàng sẽ vượt mức 20%...

Nguồn thoibaonganhang.vn

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán