Ngoài việc các thông tin về đợt tăng lãi suất 50 điểm dù đã được dự báo trước của Fed, dữ liệu đáng thất vọng về chi tiêu của người tiêu dùng làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Đợt tăng 50 điểm phần trăm hôm thứ Tư đã đưa lãi suất quỹ của Fed lên khoảng 4,25% - 4,5%, đánh dấu đà tăng chậm lại so với mức tăng 75 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong số bốn cuộc họp chính sách đã qua của Fed. Đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed tính từ những năm 1980.
Tất cả các chỉ số Chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh, dẫn dầu là Dow Jones giảm đến 764 điểm |
Bất chấp tốc độ và mức độ tăng chậm lại, Powell liên tục khẳng định rằng công việc giải quyết tình trạng lạm phát cao dai dẳng còn lâu mới kết thúc.
Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh đã theo chân Fed trong việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào sáng thứ Năm. Việc BoE (Bank of England – Ngân hàng Anh) tăng lãi suất đã đưa lãi suất trong nước lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trên phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 2,5%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 764 điểm, tương ứng 2,3%, đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất trong ba tháng. Nasdaq Composite với nhiều mã cổ phiếu công nghệ giảm 3,2% tương ứng giảm 360 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống, với điểm chuẩn kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 3,5%. Chỉ số USD tăng cao hơn và giá dầu trượt dốc, với hợp đồng tương lai dầu thô West Texes Middle (WTI) giao dịch quanh mức 76 USD/thùng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde lặp lại thái độ "diều hâu” từ Chủ tịch Fed Jerome Powell sau quyết định lãi suất của cơ quan tiền tệ.
Bà Christine Lagarde cho rằng đây chưa phải thời điểm để ECB thay đổi các chính sách về lãi suất tiền tệ |
Bà Lagarde cho biết trong một cuộc họp báo: “Bất cứ ai nghĩ rằng đây là thời điểm ECB xoay trục đều sai lầm. Chúng ta nên chấp nhận việc tăng lãi suất với tốc độ 50 điểm cơ bản trong một khoảng thời gian nữa”.
Trong khi đó, báo cáo doanh số bán lẻ của chính phủ Mỹ cho thấy chi tiêu giảm mạnh trong tháng 11 khi mùa mua sắm quan trọng trong dịp lễ bắt đầu. Dữ liệu doanh số bán lẻ mới nhất cho thấy mức giảm 0,6% so với tháng trước nhưng tăng đến 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mike Loewengart, Trưởng bộ phận Xây dựng danh mục đầu tư mô hình của Morgan Stanley cho biết: “Black Friday và việc mua sắm trong kỳ nghỉ không đủ để cứu doanh số bán lẻ trong tháng trước khi doanh số giảm nhiều nhất trong năm nay và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng”.
Ông nói thêm: “Người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát nóng và lãi suất tăng cao, nhưng giá cả cao và những tin đồn về suy thoái kinh tế có thể khiến nhiều người không còn phóng tay với túi tiền của mình. Đây đang là một tuần bận rộn đối với các nhà đầu tư với việc cả Fed và ECB đều tăng lãi suất, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến thị trường còn tiếp tục rung lắc”.
Trong khi chi tiêu bán lẻ chậm lại cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế, thì một báo cáo kinh tế khác được công bố vào đầu ngày thứ Năm cho thấy số hồ sơ xin bảo hiểm thất nghiệp tuần trước bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thước đo phản ánh kịp thời nhất về tình hình việc làm của Mỹ, đạt 211.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 10/12, giảm 11.000 đơn so với mức sửa đổi của tuần trước, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Tesla (TSLA) giao dịch ổn định trở lại trong phiên giao dịch ngày Năm sau khi sụt giảm cả tuần, ngay cả khi hồ sơ pháp lý cho thấy CEO Elon Musk đã bán khoảng 21.995.000 cổ phiếu của công ty, tương đương trị giá khoảng 3,6 tỷ USD, trong khoảng thời gian ba ngày kết thúc vào ngày 14/12.
Hoàng Việt