Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều gói vay ưu đãi vẫn đang bị “tắc” đầu ra.
Điển hình là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng) được áp dụng từ năm 2022 nhưng đến nay mới giải ngân được 0,64%, khoảng 256 tỷ đồng với 1.784 khách hàng đã được nhận hỗ trợ.
Các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng. Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm nay khoảng hơn 2.430 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình này là 37.430 tỷ đồng.
Ngoài ra, thêm một gói hỗ trợ có nguy cơ giải ngân không hiệu quả trong khi nhu cầu của cả người dân và doanh nghiệp đều rất lớn. Đó là gói 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất 8,7% và lãi suất 8,2% cho người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay mới có 26 dự án tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, BIDV giải ngân được 20,5 tỷ đồng, còn Agribank dự kiến giải ngân trong quý 3.
Đáng nói là các gói này đã “tắc” ngay từ khi bắt đầu triển khai, một trong những nguyên nhân chính là mặt bằng lãi suất (dù đã được điều chỉnh giảm) vẫn ở mức cao; điều kiện vay vốn chưa phù hợp với doanh nghiệp…
Tương tự, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng vừa được triển khai nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được do đơn hàng sụt giảm. Việc “tắc” đầu ra sản phẩm khiến vòng quay vốn chậm và doanh thu suy giảm khiến ngân hàng e dè hơn trong cho vay, cũng như giảm mạnh định mức vay của doanh nghiệp.