Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn liền với những giải pháp toàn diện về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Hình minh họa. |
Ông Lệnh cho biết thêm, hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ, theo 2 xu hướng tích cực: Đối với doanh nghiệp còn khó khăn, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng; đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
“Quá trình này đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành, lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức lãi suất chưa đến 4%/năm” - ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp tại các quận, huyện và các ngân hàng đã giải ngân cho vay với số tiền đạt 581.000 tỷ đồng cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm.
Cùng với đó, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng cho nền kinh tế như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn… Tuy nhiên tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, nguyên nhân chủ yếu đến từ môi trường kinh tế suy yếu nên khả năng hấp thụ vốn thấp.
“Với cơ chế chính sách, hỗ trợ cụ thể, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tiếp cận khách hàng, nắm bắt khó khăn trực tiếp của doanh nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận khoảng 1.000 nhu cầu vốn kiến nghị, xử lý bằng cách chỉ đạo ngân hàng trả lời việc giải ngân cho khách hàng. Cách làm này phát huy hiệu quả, các ngân hàng thương mại cũng nâng cao trách nhiệm, doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hiện nay là không đủ điều kiện vay vốn. Vì thế, các ngân hàng muốn cho vay cũng đành “bất lực” vì không thể để sai, ảnh hưởng sức khỏe tín dụng ngân hàng, dẫn đến hệ quả xử lý nợ xấu khó khăn mà các chuyên gia ví von là “cục máu đông” trong nền kinh tế” - ông Lệnh nói.
Tính đến cuối tháng 10/2023, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt 4,67% so với cuối năm 2022 và 7% so với cùng kỳ, thấp hơn so với tốc độ của cả nước. Xét về số tuyệt đối, TP.HCM chiếm tỷ trọng tương đương 27% so với cả nước, tương đối cao trong tổng tăng trưởng tín dụng cả nước.
Trong 2 tháng cuối năm, để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tập trung khai thác “tính chất mùa vụ”. Thông thường nhu cầu vốn rất cao trong dịp Tết, nhất là với lĩnh vực sản xuất tiêu dùng và du lịch, do đó các ngân hàng cần đáp ứng tốt các nhu cầu vốn ngắn hạn này, duy trì thanh toán thông suốt.
“Tổng mức giải ngân hoạt động bình ổn thị trường này khoảng 9.000 tỷ đồng, với lãi suất rất thấp chỉ khoảng 4 - 6%/năm cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng Tết, cũng như các doanh nghiệp tham gia vào kênh phân phối hàng hóa cho người dân” - ông Lệnh tiết lộ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, môi trường đầu tư tốt và niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng đang thực thi và triển khai chính sách hỗ trợ, do đó khi doanh nghiệp làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023, dư nợ tín dụng của ABBank chỉ tăng 4% so với đầu năm, của VietABank tăng 7%. BVBank, Saigonbank đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 4,3%... Nhà băng có quy mô vừa như Eximbank cũng chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 4% trong 3 quý đầu năm.
Xét trong nhóm 27 ngân hàng đang giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán, có 3 ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên 15%, 12 ngân hàng có mức tăng tín dụng từ 10% trở lên trong 9 tháng đầu năm nay. 12 ngân hàng còn lại có tăng trưởng tín dụng dưới 10%.
Tại thời điểm 30/9/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với hồi đầu năm, song số dư tiền gửi của Ngân hàng chỉ đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 4,9%. ACB, Sacombank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng lần lượt là 8,2% và 7,6% trong 9 tháng. Riêng MB, cho vay khách hàng tăng 16,4%, nhưng nợ xấu cũng tăng lên gấp đôi so với cuối năm trước.
VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm nay. Trong đó, dư nợ tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản và tín dụng hộ kinh doanh, với mức tăng lần lượt là hơn 50% và hơn 31%. Đến cuối quý III/2023, quy mô dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ VPBank là hơn 454.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm hơn 17,5%, đứng thứ ba trong các lĩnh vực kinh doanh, sau tín dụng hộ kinh doanh và cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất. Dư nợ cho cá nhân vay mua nhà ở tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng tỷ trọng giảm từ 22,93% xuống 19,48%.
Tại Techcombank, dư nợ tín dụng tại ngày 30/9/2023 đạt 495.400 tỷ đồng, tăng trưởng 11,4% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và tăng 7,1% so với quý trước. Cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của nhà băng này tăng hơn 50.000 tỷ đồng trong 9 tháng và là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào con số tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành của Techcombank. Đến cuối quý III, tỷ trọng mảng này chiếm 34,63% dư nợ cho vay khách hàng, so với mức 26,44% vào đầu năm. Ngược lại, cho vay cá nhân giảm gần 20.000 tỷ đồng, với tỷ trọng từ mức 52,86% vào đầu năm giảm xuống còn 42,6%.
Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng này muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ nhưng bối cảnh thị trường lúc này không phù hợp. Môi trường lãi suất cao cản trở nhu cầu vay của nhóm bán lẻ, tài chính tiêu dùng cũng rủi ro. Vả lại, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay, chi phí vay lúc này quá cao, thậm chí ngay cả khi lãi suất hạ vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Trong môi trường như vậy, ông Jens Lottner cho rằng, các công ty, tập đoàn lớn có sức chống chịu tốt hơn. Nguồn tiền từ nhóm này đa dạng, đến từ các cấu phần khác nhau của nền kinh tế, giúp khả năng cân bằng của họ tốt hơn.
Ba ngân hàng Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank) đều ghi nhận quy mô cho vay khách hàng hơn 1 triệu tỷ đồng tính tới cuối quý III/2023. Tuy nhiên, các nhà băng này không bóc tách chi tiết dư nợ với từng lĩnh vực kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Trước đó, số liệu cơ quan này đưa ra, tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 24/10/2023 tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong khi tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92%. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tín dụng vẫn tăng chậm chủ yếu xuất phát từ cầu tín dụng thấp, do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm). Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn; việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.
Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng vọt lên đến 21,86% trong 9 tháng đầu năm Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ... |
Ngành ngân hàng phải bơm ròng gần 800.000 tỷ đồng tín dụng mới đạt mục tiêu 2023 Tính đến ngày 31/10, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Như vậy, trong ... |
Mai Lan (T/H)