3 tiêu chí xếp hạng
VPE 500 do 2 đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Chiến lược phát triển - VIDS và Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng - Tổng cục Thống kê - GSO) thực hiện với sự tài trợ của Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS).
Báo cáo lần đầu tiên về VPE500 đã được công bố năm 2022, trong đó sử dụng thông tin Tổng điều tra doanh nghiệp (DN) trong khoảng thời gian từ 2016-2019.
Khác với Báo cáo năm 2022, trong đó thảo luận bức tranh chung về phân bổ và biến động của VPE500 khi nền kinh tế Việt Nam được cho là tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 6,5% với nhiều thuận lợi từ bên ngoài và bên trong, Báo cáo lần này tập trung vào phân tích biến động của VPE500 trong giai đoạn 2021-2022 khi nền kinh tế gặp cú shock COVID-19.
Để đảm bảo tính so sánh được với Báo cáo 2022, báo cáo này giữ nguyên phương pháp xếp hạng. Theo đó, xác định danh sách VPE500 dựa trên ba tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu gộp. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo ba tiêu chí trên. Cách xếp hạng này khác với các xếp hạng của báo cáo hiện nay của Việt Nam (VNR500) hoặc của Fortune500 hoặc Top-500 của Trung Quốc trong đó chỉ sử dụng từng chỉ số riêng lẻ, nhưng giống với cách xếp hạng trong báo cáo 2007 của Chương trình phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) về 200 DN công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hoặc phần nào giống với cách xếp hạng của Forbes Global 2000.
Báo cáo dựa vào số liệu điều tra DN các năm 2021 và 2022 của GSO (tương ứng với thông tin của DN trong các năm 2020, 2021) để lập danh mục VPE500.
Doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn DNTN trong nước (VPE) (đây là số DN đang hoạt động và có kết quả sản xuất kinh doanh. Con số này thấp hơn con số về tổng số DN cũng do GSO công bố), chiếm 96,6% tổng số DN đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối DN.
VPE phần lớn là các DN được thành lập sau Đổi mới có quy mô nhỏ và vừa; vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số DN có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của DN nhà nước.
Mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh/thành phố, VPE500 tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 75%) và có xu hướng tăng nhẹ. Hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội và một số địa phương có mật độ DN cao như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên chiếm khoảng 50- 52% tổng số.
Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành Công nghiệp chế biến chế tạo Thương mại và Xây dựng.
Doanh nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế
Đặc biệt, báo cáo VPE500 chỉ ra DN dịch vụ chiếm ưu thế về số lượng DN trong VPE500, đặc biệt là trong nhóm 10 DN lớn nhất. Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế với 7 DN (năm 2019), 9 DN (năm 2020) và 8 DN (năm 2021).
Số lượng DN ngành thương mại trong Top10 giảm từ 3 DN (năm 2019) xuống còn 1 DN trong hai năm tiếp theo. CTCP Thế giới Di động là DN ngành Thương mại duy nhất nằm trong Top50 cả 3 năm, nhưng với thứ hạng giảm dần (xếp thứ 5, 7, 8 trong năm 2019- 2021).
Được biết Top 10 Bảng xếp hạng VPE500 năm nay có 8 ngân hàng được “gọi tên” là: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gon (SCB); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàngTMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank)
Đáng chú ý, Sacombank là ngân hàng 3 năm liền giữa vị trí số 1 trong Top10 của VPE500 (2019- 2021). Mặc dù đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022 nhưng vì số liệu được tổng hợp trước năm 2022 nên trong VPE500 năm 2023, SCB vẫn giữ vị trí thứ 7.
“Dấu ấn của DNTN trong bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét. Trong nền kinh tế toàn cầu đầy biến động hiện nay, khu vực tư nhân đã và đang góp phần duy trì nền kinh tế Việt Nam (tạo ra 57,8% doanh thu thuần của các DN tại Việt Nam đến cuối năm 2021).
Trong khu vực tư nhân, các DN lớn nhất trong nước có thể được coi là những người dẫn đầu thị trường và có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của những DN này phản ánh sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế.
Trên thế giới, việc sử dụng chỉ số của các DN lớn để đại diện cho hiệu quả hoạt động của một ngành và thể hiện sức khỏe của nền kinh tế là khá phổ biến. Bằng cách phát triển VPE500, KAS và VIDS nhằm mục đích cung cấp thêm một chỉ số hiệu quả cho quản lý kinh tế vĩ mô tại Việt Nam…”
Ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện KAS
So sánh giữa hai năm COVID-19 và một năm trước đó cho thấy có biến động khá lớn về số DN ra vào trong danh sách VPE500. Năm 2020, có tới 97/500 DN (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019, những DN này tập trung vào nhóm ngành mà bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 như bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70). Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong COVID-19 như thông tin truyền thông, bưu chính, sản xuất và phân phối điện.
Đến năm 2021, tiếp tục có tới 61 DN nữa rời khỏi danh mục, nâng tổng số rời đi sau hai năm lên tới 158, tương đương 31,6%, và vẫn tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng ở trên. Bên cạnh đó, ngay cả với các DN vẫn còn duy trì trong bảng xếp hạng, thứ hạng của các DN này cũng giảm đi nhanh chóng, tỷ lệ giảm trên 50 bậc là trên 60%.
Vì sao ngân hàng giữ vị trí áp đảo trong Top10 của VPE500?
Lý giải vì sao ngân hàng luôn giữ vị trí áp đảo trong Top10 của VPE500, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng thay vì tiêu chí vốn tự có, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tiêu chí tài sản để tổng hợp.
Đối với các ngân hàng, tài sản ngân hàng tính cả vốn huy động, hay với DN, hàng nhập được tính là tài sản của DN. Do vậy, nếu tính tiêu chí tài sản thì ngân hàng luôn đứng đầu. Đặc biệt, thời kỳ COVID-19, trong khi các ngành khác khó khăn thì thị trường chứng khoán bùng nổ, các ngân hàng cho giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên tài sản của nhóm ngân hàng cũng tăng lên. Ngoài ra, một số ngân hàng có sở hữu nước ngoài (ví dụ VPBank hiện có 17,5% sở hữu nước ngoài, trước năm 2022 là 15%) nên tài sản của ngân hàng cũng tăng lên, đó là lý do các ngân hàng vẫn đứng đầu Top10 của VPE500…
Thanh Thanh