Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho MSB tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng Kết quả “room” tín dụng sẽ được công bố trong 1-2 ngày tới |
Sáng 7/9, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông tin về kết quả điều hành tín dụng và định hướng điều hành tín dụng tới cuối năm 2022.
Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2022, lạm phát thế giới tăng nhanh do giá nhiều hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới leo thang bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Ở trong nước, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị |
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỉ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2022, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1 (Chỉ thị 01), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở: Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung). Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.
Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
"Căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này" - phía Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Hoàng Lan