Ngành dệt may chuyển mình: STK, TNG, MSH và TCM đón đầu xu hướng

26/11/2024 - 07:15
(Bankviet.com) Ngành dệt may Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, với thặng dư thương mại tăng từ 41% lên 53% trong hơn một thập kỷ qua nhờ sự dịch chuyển sang các hoạt động giá trị gia tăng cao hơn. Khi chuỗi cung ứng thượng nguồn được mở rộng và các hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng, các doanh nghiệp như STK, TNG, MSH và TCM được kỳ vọng sẽ dẫn đầu đà phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu gia tăng vào cuối năm 2024 và 2025.

Ngành dệt may là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng của ngành dệt may trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ mức 16% trong năm 2011 xuống còn 11% trong năm 2023, nhưng thặng dư thương mại của ngành dệt may so với giá trị xuất khẩu đã tăng từ 41% lên 53% trong cùng kỳ.

Sự thay đổi này cho thấy mức lợi nhuận cao hơn của ngành dệt may Việt Nam, do sự chuyển dịch từ hoạt động sản xuất chi phí thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Sự chuyển dịch này được thúc đẩy bởi việc cải thiện chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.

Diễn biến này có sự tương đồng với Trung Quốc giai đoạn 2000-2013, khi chi phí lao động của nước này tăng lên cùng với sự cải thiện về công nghệ và trình độ của người lao động.

Ngành dệt may chuyển mình: STK, TNG, MSH và TCM đón đầu xu hướng
Ngành dệt may là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng thượng nguồn

Theo Bộ Công thương, vào năm 2023, Việt Nam đã phải nhập khẩu 40% sợi tổng hợp, 50% sợi bông, và 80% vải sợi để đáp ứng nhu cầu trong nước. Mặc dù chuỗi giá trị thượng nguồn vẫn còn nhiều khoảng trống, nhưng tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu so với giá trị xuất khẩu đã giảm từ 50% xuống 40% trong 10 năm qua.

Ngành dệt may chuyển mình: STK, TNG, MSH và TCM đón đầu xu hướng
Chuỗi giá trị ngành dệt may: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới nhưng đang đối mặt với sự thiếu hụt trong khâu sản xuất "sợi và vải”

Theo Chứng khoán Vietcap, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng thượng nguồn, nhờ vào việc dịch chuyển các nhà máy sợi vải của Đài Loan và Trung Quốc. Một chuỗi giá trị hoàn chỉnh hơn sẽ giúp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng FOB/ODM hơn và tối đa hóa lợi ích từ việc các hiệp định FTA yêu cầu chứng minh "xuất xứ từ sợi và/hoặc "xuất xứ từ vài".

Bên cạnh đó, bất ổn chính trị tại Bangladesh có thể giúp Việt Nam được hưởng lợi trong ngắn hạn từ các đơn hàng chuyển hướng từ Bangladesh, tuy nhiên Ấn Độ sẽ là nước hưởng lợi chính do vị trí địa lý liền kề và có mối liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị của Bangladesh.

Với tình hình bất ổn tại quốc gia này từ cuối năm 2023 và sự dịch chuyển đơn hàng từ đầu năm 2024, VCI Research cho rằng khả năng sẽ không còn tác động đáng kể nào vào năm 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ của Bangladesh sẽ có động thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp quan trọng này trong dài hạn.

Theo VCI Research, dấu hiệu về một triển vọng tích cực hơn cho các đơn hàng dệt may trong giai đoạn nửa cuối năm 2024-2025 được thể hiện qua giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt 30 tỷ USD (+6,3% YoY) trong 9 tháng đầu năm 2024. Điều này có được là nhờ việc tái nhập hàng của các thương hiệu và nhà bán lẻ và sự chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia khác về Việt Nam.

Hầu hết các công ty dệt may trong nước đã nhận đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2024 và đang nhận đơn đặt hàng cho năm 2025. Nguyên nhân chính do quý 4 là mùa cao điểm tiêu thụ nhờ nhu cầu vào các dịp lễ, cùng với mức tồn kho hợp lý của các thương hiệu và nhà bán lẻ, và tình hình kinh tế cải thiện tại các thị trường xuất khẩu chính đã giúp gia tăng sức mua.

Ngành dệt may chuyển mình: STK, TNG, MSH và TCM đón đầu xu hướng
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam: Nhu cầu khách hàng cuối năm có thể được cải thiện

Theo đó, Chứng khoán Vietcap dự báo giá bán sẽ ổn định hơn vào cuối năm 2024 và cải thiện trong năm 2025, nhờ việc lạm phát giảm, lãi suất tại Mỹ và Châu Âu hạ nhiệt, và chi phí vận chuyển thấp hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực giảm giá lên các công ty sản xuất.

STK được hưởng lợi, TNG, MSH và TCM có vị thế tốt để đón đầu xu hướng

Là nhà sản xuất sợi tổng hợp chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, STK có thể sẽ là bên được hưởng lợi sớm từ việc nhu cầu phục hồi. Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng của STK đã giảm còn khoảng 17.000 tấn (-17% svck), do các vấn đề liên quan đến hệ thống kiểm soát chất lượng đã làm cản trở đà phục hồi của đơn hàng từ quý 2.

Việc tỷ giá USD/VND tăng cũng ảnh hưởng đến khoản vay 51 triệu USD của STK, và góp phần làm suy yếu thêm KQKD của công ty. Tuy nhiên, VCI Research dự báo triển vọng sẽ bắt đầu khả quan hơn từ quý 4/2024, nhờ vào (1) Tỷ giá USD/VND giảm, (2) doanh số tăng nhờ việc thuê thêm lao động để giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng hiện tại, và (3) 60% công suất gia tăng từ nhà máy mới Unitex.

Theo đó, hãng chứng khoán hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN đổi với STK với giá mục tiêu là 32.200 đồng/cổ phiếu, upside 31% so với giá đóng cửa ngày 25/11/2024

Ngành dệt may chuyển mình: STK, TNG, MSH và TCM đón đầu xu hướng
Doanh thu và tăng trưởng doanh thu của một số công ty (tỷ đồng, %)

Ngoài ra, TNG, MSHTCM là những doanh nghiệp có vị thế tốt nhất để nắm bắt các đơn hàng may mặc với biên lợi nhuận cao. Đây đều là các nhà sản xuất may mặc lớn và hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam.

Trong đó, TCM nổi bật nhờ chuỗi giá trị dệt may tích hợp hoàn chỉnh. TNG đạt mức tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ qua nhờ mở rộng công suất chiến lược, trong khi MSH hưởng lợi từ sản phẩm chăn ga gối đệm với biên lợi nhuận gộp (GPM) 30%. Cả ba doanh nghiệp đều dẫn đầu trong việc chuyển đổi sang các đơn hàng FOB, chiếm 70-90% doanh thu.

Bức tranh khởi sắc của ngành bán lẻ

Ngành bán lẻ vừa khép lại một quý kinh doanh đầy khởi sắc khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Nhờ lợi thế ...

Bức tranh tài chính khả quan của GELEX

5 năm trở lại đây, GELEX chưa có năm nào báo lỗ. Quy mô của GELEX cũng được gia tăng mạnh mẽ, trở thành 1 ...

Tiến Nam

Tiến Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán