Phóng viên: Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, VinaCapital có những đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2023, thưa ông?
Ông Brook Taylor: Năm 2023, Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng của dòng vốn ngoại dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn quốc tế đang tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững và đa dạng hơn. Sự kiện nâng tầm quan hệ Việt Nam – Mỹ và Việt Nam – Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong năm 2023 sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao từ các nước này và các quốc gia phát triển khác, giúp Việt Nam đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và có năng lực sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn nữa. Chúng tôi tin rằng, FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chững lại. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, các số liệu kinh tế đang phục hồi dần trong những tháng gần đây. Ngoài ra, các thành quả lớn trong việc điều hành kinh tế năm 2023 của Việt Nam có thể kể đến như việc lãi suất đã giảm đáng kể và tỷ giá ổn định trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất. Thị trường trái phiếu đã từng bước đi vào ổn định sau khi xảy ra những biến động lớn trong năm 2022.
Phóng viên: Với những kết quả đã đạt được, theo ông, đâu là những điểm sáng sẽ làm nền tảng quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024?
Ông Brook Taylor: Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng trở lại từ mức 5,05% trong năm 2023 lên khoảng 6,5% trong năm 2024. Đây cũng là mục tiêu tăng trưởng vừa được Quốc hội thông qua. Sự phục hồi tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, du lịch và đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ trong nước. Những lực đẩy quan trọng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế không chỉ cho năm sau, mà còn nhiều năm sắp tới.
Trong đó, lực đẩy từ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, chúng ta đã quan sát được những dấu hiệu cho thấy giai đoạn các nhà bán lẻ Mỹ giảm lượng nhập hàng mới và chủ yếu bán hàng tồn kho sắp kết thúc. Điều này có nghĩa rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, sẽ tăng trở lại trong năm sau. Từ đó, chúng tôi cũng kỳ vọng sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ tăng trở lại từ mức chỉ khoảng 1% trong năm 2023 lên mức 8-9% trong năm 2024.
Phóng viên: Trong bức tranh chung đó, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của ngành Ngân hàng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam?
Ông Brook Taylor: Thực tế cho thấy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn khá yếu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt hơn 9% (đến hết năm 2023 đạt 13,71% - PV), thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như: môi trường quốc tế kém thuận lợi, nợ xấu gia tăng, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá ngành Ngân hàng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để vượt qua khó khăn, như: chủ động, linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ban hành các chính sách mới có tác động giúp tăng thanh khoản cho thị trường tài chính và hỗ trợ thị trường bất động sản, tăng cường giám sát và kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị và áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Phóng viên: Ông có dự báo như thế nào về các kênh đầu tư chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trong năm 2024?
Ông Brook Taylor: Trong năm 2023, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp để giảm lãi suất. Chúng ta đều nhìn thấy lãi suất tiết kiệm và cho vay đã giảm. Điều này thúc đẩy nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào lĩnh vực khác, bao gồm thị trường chứng khoán (cổ phiếu lẫn trái phiếu) và bất động sản. Giá trị giao dịch trung bình trên thị trường chứng khoán cũng đã phục hồi mạnh trong những tháng gần đây, ở mức cao nhất kể từ sau giai đoạn dịch COVID-19, có những phiên giao dịch hơn 1 tỷ USD.
Chúng tôi tin rằng, mức lãi suất thấp, sản xuất, xuất khẩu và hoạt động kinh doanh phục hồi sẽ giúp cho lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng tốt trong năm 2024. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm các thị trường có thể mang đến cho họ lợi nhuận. Bên cạnh đó, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chúng tôi ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên tới 5 đến 8 tỷ USD.
Phóng viên: Đâu là những điểm trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để đạt được tăng trưởng bền vững hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo, thưa ông?
Ông Brook Taylor: Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không đưa ra các thay đổi lớn trong chính sách lãi suất giống như năm 2022 và năm 2023, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Lý do là vì Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ở vào cuối chu kỳ tăng lãi suất và được dự báo sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào năm nay, dẫn đến sức mạnh của đồng USD (đo bằng chỉ số DXY) đang có xu hướng giảm.
Về kiểm soát lạm phát, chúng tôi kỳ vọng lạm phát trung bình năm tại Việt Nam sẽ ở mức 3-4% trong năm 2024, tương tự năm 2023, dù diễn biến lạm phát năm 2024 sẽ phụ thuộc nhiều vào giá dầu, trong bối cảnh các vấn đề địa chính trị vẫn đang diễn ra phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng bất cứ khi nào lạm phát trung bình năm ở Việt Nam vượt mức 4-5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp điều tiết phù hợp để đảm bảo môi trường kinh tế ổn định.
Ngoài ra, nhà nước nên tiếp tục đẩy mạnh chính sách đầu tư công, đảm bảo các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Đứng trước cơ hội lớn về thu hút FDI, Việt Nam nên có thêm các chiến lược và chính sách để nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Phóng viên: Với những kết quả đã đạt được, ông có kỳ vọng như thế nào về kinh tế Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm mới 2024 này?
Ông Brook Taylor: Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, triển vọng nâng cao thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, sức hút của Việt Nam khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc +1 và khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi kỳ vọng, năm 2024 sẽ là năm bứt phá và phát triển bền vững, khi các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và thích ứng với tình hình mới. Sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng trong quá trình này cũng sẽ rất quan trọng. Tôi hy vọng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những bước tiến đã đạt được, đồng thời chuẩn bị tốt để vượt qua những thách thức và nắm bắt các cơ hội trong năm nay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đoàn Hằng (thực hiện)