Giá cổ phiếu ngành thép có “cửa lên” trong năm 2024? Ngành thép: Triển vọng tươi sáng trong năm 2024? Lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép tăng trong quý 4/2023 |
Áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), xuất khẩu thép của nước này trong năm 2023 đạt hơn 90 triệu tấn, tăng 36% so với năm 2023. Đây đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2016. Giá thép xuất khẩu trung bình của năm 2023 chỉ khoảng 706 USD/tấn, giảm 35% so với năm 2022.
Phần lớn thép được xuất khẩu sang các khu vực có ít rào cản thương mại, bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ…
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 8,3 triệu tấn thép từ Trung Quốc, tăng 63% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 78% cơ cấu các thị trường xuất khẩu thép vào Việt Nam.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, năm 2024 thị trường thép trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Năm ngoái, nước này xuất khẩu hơn 90 triệu tấn tấn thép và dự kiến có thể tăng lên 100 triệu tán trong năm nay. Rõ ràng, nhiều nước đang dựng hàng rào với Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có biện pháp phòng vệ thương mạng xứng đáng, chắc chắn với vị trí ngay sát Trung Quốc, áp lực thép nước này đổ vào thị trường nội địa rất lớn.
Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Mã vụ việc ER01.AD02. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này.
Năm 2024 thị trường thép trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực |
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cũng nhìn nhận, nhu cầu thép trên thế giới còn hạn chế cũng tạo áp lực lên giá thép trong nước. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 13 trên thế giới. Trong thời gian qua, các nhà sản xuất cũng không khỏi chật vật vì phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Nhu cầu thép năm 2024 có thể dần phục hồi
Các doanh nghiệp sản xuất thép đang chờ đợi sự phục hồi từ ngành bất động sản và việc chính phủ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định năm 2024, thị trường thép đã có những dấu hiệu ban đầu phục hồi. Với những chương trình thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ, trong đó có tháo gỡ khó khăn lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công, dự báo ngành thép tăng trưởng sản lượng 10% trong năm 2024.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát trường cho hay, năm 2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025. Tuy nhiên, mức độ tăng thế nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm, lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao, triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không.
Trong ngành tôn mạ, doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhiều vào xuất khẩu. Đại diện Công ty Tôn Phương Nam cho biết năm 2023, hoạt động kinh doanh của công ty tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, chịu tác động rất lớn bởi khủng hoảng kinh tế và việc chi phí logistics tăng vào cuối năm. Bước sang năm 2024, doanh nghiệp kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường nói trên sẽ gia tăng.
Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024. Trong đó, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt mức 20.000 căn hộ và tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung đạt khoảng 12.000 căn (tăng 31%). CBRE cho rằng, nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.
MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, cải thiện năng lực pháp lý, nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, thực hiện công khai, minh bạch trong quản trị, minh bạch hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Để hỗ trợ ngành thép hồi phục và phát triển, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường ngành thép trong nước; cùng đó phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành để tận dụng cơ hội thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn, từ đó thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước.
Duy Minh