Nghề môi giới trước kỳ vọng nâng hạng thị trường

10/02/2025 - 22:17
(Bankviet.com) Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm (Hà Nội) về triển vọng nghề môi giới trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kỳ vọng được nâng hạng trong năm 2025.
Nghề môi giới trước kỳ vọng nâng hạng thị trường
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm (Hà Nội)

PV: Thưa ông, với kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng, liệu môi giới chứng khoán có thể trở thành ngành nghề “hot” trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Nhân: Công việc môi giới chứng khoán chắc chắn sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi thị trường nâng hạng, thu hút nhiều dòng vốn ngoại, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với việc tăng trưởng giao dịch, các môi giới có tiềm năng đạt mức thu nhập cao và trở thành một trong những nghề được săn đón nhiều nhất.

Tuy nhiên, đây cũng là ngành có mức độ đào thải rất lớn do tính cạnh tranh khốc liệt và yêu cầu cao về kỹ năng. Một trong những yếu tố đáng chú ý hiện nay là sự khác biệt trong cách các công ty tiếp cận nhân sự môi giới. Nhiều công ty sẵn sàng tung ra chính sách trả hoa hồng cao để thu hút người lao động, nhưng điều đó không đảm bảo chất lượng đội ngũ.

Ngược lại, các công ty lớn như Mirae Asset không chạy theo xu hướng này vì chúng tôi có hệ thống nhân sự ổn định và giàu kinh nghiệm. Những môi giới giỏi thường không dễ dàng dịch chuyển, bởi họ coi trọng uy tín và môi trường làm việc ổn định hơn là mức hoa hồng.

TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Với hơn 200 nhân sự IT, Chứng khoán Miare Asset hiện là một trong những công ty có đội ngũ nhân sự IT hùng hậu nhất trong các CTCK tại Việt Nam. Bên cạnh đó nhân sự IT của công ty thường xuyên được tu nghiệp tại Hàn Quốc. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn về chuyên môn và kỹ năng của môi giới, đòi hỏi họ không chỉ giỏi trong việc phân tích mà còn phải linh hoạt, thích ứng với xu hướng số hóa. Qua đó để thấy rằng, nghề môi giới không chỉ là một công việc tạm thời mà sẽ trở thành một lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về thời gian và công sức.

PV: Theo ông, những thách thức lớn nhất mà nghề môi giới phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Đức Nhân: Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với nghề môi giới chính là sự chuyển đổi từ môi giới truyền thống sang môi trường số hóa. Sau đại dịch COVID-19, xu hướng giao dịch online và các nền tảng công nghệ đã bùng nổ, khiến vai trò của môi giới truyền thống bị thu hẹp đáng kể. Những môi giới không thích nghi được với thay đổi sẽ sớm bị đào thải. Thêm vào đó, sự cạnh tranh trong ngành chứng khoán đang ngày càng khốc liệt. Khi các công ty nhỏ và mới thành lập cố gắng chiếm thị phần bằng cách đưa ra mức hoa hồng cao, họ lại đối mặt với hạn chế về sản phẩm và công nghệ, làm giảm giá trị lâu dài cho cả khách hàng lẫn đội ngũ môi giới. Các môi giới giỏi sẽ ưu tiên làm việc tại những công ty có uy tín, nền tảng công nghệ tiên tiến và sản phẩm đa dạng.

Nghề môi giới trước kỳ vọng nâng hạng thị trường
Theo ông Nhân, thách thức lớn nhất hiện nay đối với nghề môi giới chính là sự chuyển đổi từ môi giới truyền thống sang môi trường số hóa

TTCK hiện nay đang hướng đến phí giao dịch 0 đồng – một xu hướng phổ biến ở các thị trường phát triển như Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng vai trò của môi giới sẽ giảm đi. Ngược lại, với độ phức tạp ngày càng cao của thị trường, nhà đầu tư sẽ cần sự tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia. Những môi giới có năng lực sẽ tự định giá được dịch vụ của mình, vượt qua mô hình phí hoa hồng truyền thống. Điều quan trọng là môi giới phải nâng cao kỹ năng toàn diện, bao gồm cả kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để môi giới khẳng định giá trị trong ngành.

PV: Với sự phát triển của AI và các công nghệ tự động hóa, câu hỏi được đặt ra, liệu nghề môi giới có đối mặt với nguy cơ bị thay thế hoàn toàn hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Nhân: Công nghệ AI và tự động hóa chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến nghề môi giới, đặc biệt trong việc tự động hóa các quy trình giao dịch và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, tôi không cho rằng môi giới sẽ bị thay thế hoàn toàn.

Công nghệ chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế vai trò của một chuyên gia với sự hiểu biết sâu rộng, khả năng phân tích linh hoạt và tư duy sáng tạo. AI có thể đưa ra các khuyến nghị dựa trên dữ liệu, nhưng để hiểu sâu sắc tâm lý và nhu cầu của nhà đầu tư, môi giới vẫn là yếu tố không thể thiếu. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp, vai trò của môi giới là cung cấp các giải pháp cá nhân hóa và chiến lược đầu tư phù hợp, điều mà công nghệ khó có thể thay thế.

Thách thức lớn nhất là môi giới phải không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực và thích nghi với sự phát triển của công nghệ. Trong tương lai, những môi giới kết hợp được cả trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người sẽ là những người dẫn đầu trong ngành. Đây không chỉ là sự cạnh tranh giữa con người và máy móc, mà còn là cơ hội để môi giới chứng minh giá trị thực sự của mình...

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất thực tế và sâu sắc. Xin kính chúc ông cùng các công sự của mình một năm mới dồi dào sức khỏe, an lành và hạnh phúc!

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam khai trương Trung tâm Kinh doanh Hoàn Kiếm

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam khai trương Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm (Hà Nội), khẳng định sự nỗ lực mở rộng ...

Mirae Asset gợi ý chiến lược đầu tư tập trung vào cổ phiếu đầu ngành

Quý 3/2024, VN-Index tăng 3,4% nhưng chưa chinh phục mốc 1.300 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại bán ròng, song định giá hấp dẫn ...

Chuyên gia Nguyễn Đức Nhân: Việc phòng thủ danh mục là cần thiết để hướng đến cái Tết "ấm áp"

Quý I/2025 được dự báo là giai đoạn đầy thách thức với thị trường chứng khoán khi áp lực từ quốc tế gia tăng và ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán