''Mùa xuân...'' của giá vàng, thị trường vàng trong nước ''... đã cạn ngày'' Bình ổn thị trường vàng: Bịt chỗ này phình chỗ khác |
Xuất hiện những yếu tố lạ trong thị trường vàng
Ngày 18/7, giá vàng nhẫn tại thị trường trong nước dù giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn giá vàng miếng SJC – thương hiệu quốc gia. Cụ thể, cập nhật lúc 08h49 sáng nay 18/7, giá vàng nhẫn đứng ở mức 77,63 triệu đồng/lượng (bán ra); giá vàng nhẫn DOJI Hà Nội và Sài Gòn cùng đứng ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Trong khi vàng nhẫn của PNJ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng đứng ở mức 77 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng lần đầu tiên ghi nhận giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng SJC |
Với vàng miếng SJC giá ở mức 77 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và miếng là 630.000 đồng/lượng, con số vênh này đã được thu hẹp so với những ngày trước đó.
Thị trường vàng lại quay lại tình trạng cách đây trước 1,5 tháng (ngày 3/6/2024) – tức là trước thời điểm ngân hàng nhà nước triển khai phương pháp bình ổn thị trường vàng bằng cách bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định, các ngân hàng không kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.
Theo đó, mấy ngày nay, tại các cửa hàng kinh doanh vàng có thương hiệu lớn tại Hà Nội lại liên tục báo hết vàng nhẫn và vàng miếng, chỉ mở cửa bán cầm chừng khiến nhiều người “dở khóc dở cười” khi đi mua vàng.
Theo khách hàng phản ánh, mỗi người chỉ được mua tối đa 1 lượng vàng nhẫn. Còn với vàng miếng SJC, khi được hỏi mua thì nhân viên cho hay cả tháng nay không có hàng. Nhiều người đến nơi không được vào mua vàng lại quay xe về. Nhiều khách hàng cho biết, chưa khi nào mà người dân có tiền mà mua vàng khó đến thế.
Trên thị trường thế giới, giá vàng hôm nay đạt 2.460 USD/ounce. Giá vàng quốc tế 2 phiên gần đây lên cao, có thời điểm tiến sát 2.470 USD, trong bối cảnh nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn, sau khi các bình luận từ quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) củng cố kỳ vọng giảm lãi suất trong tháng 9.
Trong nước, giá vàng miếng SJC tiếp tục bất động ở mức gần 77 triệu đồng/lượng (giá bán) trong hơn một tháng qua. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá kim loại quốc tế tương đương 75,53 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC từ thị trường hiện chỉ chênh vài chục nghìn đồng với giá vàng thế giới còn bán ra chỉ cao hơn khoảng 1,4 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm. Trước đây, có thời điểm giá SJC cao hơn thế giới 18-20 triệu đồng/lượng.
Mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng miếng và thế giới của Ngân hàng Nhà nước có vẻ nhữ đã có kết quả sau hàng loạt động thái bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, việc mua vàng miếng SJC trên thị trường không dễ dàng. Câu hỏi đặt ra là liệu trong những ngày tới, khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng lên thì Ngân hàng Nhà nước có tăng giá bán vàng hay không? Còn hiện nay theo ghi nhận, do số lượng vàng bán ra tại mỗi điểm của ngân hàng khá hạn chế nên không dễ mua vàng trực tuyến.
Hiện nay trên thị trường tự do, giá giao dịch vàng miếng ở quanh mức 81,5 triệu đồng/lượng nên xuất hiện các hội nhóm săn mua vàng online để bán lại hưởng chênh lệch hoặc săn hộ suất mua vàng để lấy phí. Do vậy người có nhu cầu mua vàng rất khó có cơ hội mua vàng với giá bán ra chính thức của ngân hàng.
Giải pháp nào cho thị trường trường vàng?
Sự căng thẳng ở Đông Âu và Trung Đông tiếp túc leo thang. Việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất khả năng cao sẽ diễn ra vào quý III/2024 kéo theo Ngân hàng Trung ương nhiều nước cũng cắt giảm lãi suất; cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ cũng gây nên tâm lý bất ổn thúc đẩy xu hướng tích trữ vàng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng với các lệnh trừng phạt chống Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng mặt bằng giá cả trong đó có kim loại quý.
Bên cạnh đó, một động lực khiến nhu cầu vàng tăng cao trên thế giới là Ngân hàng Trung ương các nước vẫn tích cực mua vàng trong bối cảnh những lo ngại liên quan đến tiền lệ tịch thu và đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Các chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới được dự báo sắp tới có thể tăng tới 2.700 USD/ounce từ mức hơn 2.400 hiện nay.
Trước đó, Bank of America cũng đã đưa ra dự báo cuối năm 2024 giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce; Long Forecast dự báo giá vàng sẽ ở mức 2.652 USD/ounce vào cuối năm nay và xu hướng tăng sẽ tiếp tục sang năm 2025.
Giá vàng trong nước và giá vàng thế giới với hiệu ứng “bình thông nhau”. Những biến động của giá vàng thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến giá vàng trong nước. Theo PGS, TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, bình ổn thị trường về bản chất là bình ổn giá bởi trên thị trường, giá cả là tín hiệu, là hàn thử biểu phản ánh thực trạng của thị trường. Nước ta không sản xuất vàng nguyên liệu, phải nhập khẩu vàng để đảm bảo cân đối cung cầu. Do vậy, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới. Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới.
Cũng theo PGS, TS. Ngô Trí Long, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Vì người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế, mỗi lần chỉ được mua 1 lượng.
Trong bối cảnh dự báo giá vàng thế giới có xu hướng sẽ còn tăng. Trên thị trường vàng trong nước còn tồn tại 2 giá: Giá vàng ở “chợ đen” cao hơn giá của các đơn vị bình ổn bán đến khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng. Các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn bằng kênh đầu tư vàng. Nếu sử dụng biện pháp này lâu dài sẽ dẫn đến người dân đổ xô vào mua vàng, tiền đâu tư của người dân không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà "nằm chết" trong vàng. Điều này sẽ khó chống được vàng hóa nền kinh tế.
Nếu chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét đến những phương án khác hiệu quả hơn. Theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và châu Âu ở thời điểm giá vàng căng thẳng thì người dân không được giữ vàng vật chất mà chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng. Tuy nhiên, đây là một phương án Việt Nam cần xem xét nhưng phải có lộ trình cho phương án này.
PGS, TS. Ngô Trí Long cũng đề xuất, cần khẩn trương sửa đổi Nghị định số Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi lần này phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.
Bên cạnh đó, cần trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng, mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập.
“Quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp thích hợp để huy động nguồn lực vàng rất lớn trong dân cư (khoảng 500 tấn vàng) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, PGS, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.