Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được khoai lang?

21/08/2023 - 20:09
(Bankviet.com) Nhiều người bị bệnh tiểu đường có chung thắc mắc là ăn khoai lang có an toàn cho sức khỏe?
Cảnh báo biến chứng gan do bệnh tiểu đường Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được tổ yến hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park - chia sẻ: Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được khoai lang, song người bệnh cần có sự chọn lọc loại khoai và chế biến đúng cách.

Lợi ích của khoai lang đối với người bệnh tiểu đường

Mặc dù có vị ngọt nhưng khoai lang là thức ăn tốt cho những người bệnh đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoai lang hỗ trợ cho sự ổn định nồng độ đường trong máu và làm giảm sức kháng insulin.

Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được khoai lang?
Người mắc bệnh tiểu đường ăn được khoai lang tuy nhiên cần có chế độ ăn phù hợp

Đáng chú ý, trong khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin A ở dạng beta carotene, chất đạm, chất xơ, canxi, magiê, phốt pho, kali, kẽm, vitamin C, vitamin B-6, folate, vitamin K.

Với lượng calo thấp, khoai lang có khả năng cân bằng hàm lượng insulin trong cơ thể, giảm lượng đường trong máu. Vì vậy loại củ này rất an toàn đối với bệnh nhân tiểu đường.

Khoai lang còn có tác dụng cải thiện tiêu hóa cho bệnh nhân tiểu đường. Khoai lang giàu chất xơ, có tác dụng loại bỏ các chất thải tích tụ trong dạ dày; kích thích sản xuất dịch vị, do đó giúp cải thiện tiêu hóa.

Ngoài ra, khoa lang rất hiệu quả khi có khả năng cải thiện chuyển hóa và tốt cho những người muốn giảm cân. Nguyên nhân là trong củ khoai lang giàu chất dinh dưỡng như protein, vitamin, các khoáng chất và carbohydrates, có tác dụng thúc đẩy tốc độ chuyển hóa, cải thiện chức năng trao đổi chất của cơ thể.

Một số loại khoai lang thích hợp với người bệnh tiểu đường

Giống như khoai tây trắng, khoai lang có nhiều carbohydrate. Mặc dù vậy, những người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn chúng trong chừng mực. Một số loại khoai lang đã được chứng minh có lợi ích cho những người bị mắc bệnh liên quan đến lượng đường trong máu và béo phì, như:

Khoai lang cam: Là loại khoai có màu nâu đỏ ở bên ngoài và màu cam ở bên trong. Khi so sánh với khoai tây trắng thông thường, khoai lang cam có hàm lượng chất xơ cao hơn. Điều này mang lại GI thấp hơn nên là một lựa chọn lành mạnh cho những người mắc bệnh tiểu đường. Thực tế, khoai lang cam luộc có giá trị GI thấp hơn so với nướng hoặc rán.

Khoai lang tím: Có màu tím ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Khoai lang tím có GL thấp hơn khoai lang cam. Ngoài các chất dinh dưỡng, khoai lang tím còn chứa anthocyanin – đây là một hợp chất polyphenolic mà các nghiên cứu chỉ ra nó có thể đảo ngược hoặc ngăn ngừa béo phì và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách cải thiện tình trạng kháng insulin.

Một đánh giá của các nhà nghiên cứu cho thấy, anthocyanin hoạt động trong cơ thể thông qua nhiều cơ chế, bao gồm giảm tiêu hóa carbohydrate trong ruột.

Khoai lang Nhật Bản (Satsuma Imo): Đôi khi được gọi là khoai lang trắng, mặc dù chúng có màu tím ở bên ngoài và màu vàng ở bên trong. Chủng khoai lang này có chứa caiapo có thể làm giảm đáng kể mức độ nhịn ăn và đường huyết trong hai giờ ở các đối tượng khi so sánh với giả dược. Caiapo cũng được chứng minh là chất có thể làm giảm cholesterol.

Liều lượng ăn bao nhiêu là hợp lý?

BS CKI Phan Thị Thùy Dung - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - phân tích: Khoai lang có chứa tinh bột nhưng lượng calo và hàm lượng đường đều thấp; đồng thời chứa nhiều chất xơ sẽ giúp người bệnh no lâu hơn, giúp giảm thiểu lượng thức ăn, duy trì lượng đường huyết. Dù khoai lang có nhiều lợi ích cho người bệnh nhưng ăn ở mức độ vừa phải vì chứa nhiều carbs (trong 100g khoai lang có 28,5g carbs).

Theo đó, mỗi bữa, người bệnh ăn ít hơn 200g khoai lang (tương đương một nắm tay). Nếu ăn quá nhiều khoai lang chứa carbs có thể khiến tích tụ đường trong máu và làm đường huyết tăng đột biến sau ăn.

Ngoài ra, người bệnh nên ăn khoai lang luộc, khoai lang hấp (chỉ số GI còn 44), trong khi khoai lang chiên (GI 75), khoai lang nướng (GI 82).

Bên cạnh đó, cách luộc khoai lang cũng ảnh hưởng đến lượng đường huyết khi đưa vào cơ thể. Người bệnh cần luộc khoai càng lâu càng tốt, ví dụ luộc trong 30 phút, khoai lang có giá trị GI thấp khoảng 46, nhưng chỉ luộc trong 8 phút thì GI trung bình lên đến 61.

Các chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt khuyến cáo: Những người mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn khoai lang chiên. Người đái tháo đường khi ăn thực phẩm nhóm tinh bột hấp thu đường nhanh như bánh mỳ, khoai lang… cần ăn phối hợp nhiều rau hơn các thực phẩm cùng nhóm chế biến dạng luộc.

Người đái tháo đường có thể giảm cơm, tăng tỷ lệ khoai lang trong giai đoạn ăn kiêng nhưng vẫn phải ăn kèm thực phẩm giàu protein, rau quả tươi để đảm bảo khẩu phần ăn cân đối dinh dưỡng. Những người thừa cân hoặc mắc bệnh tim nên giữ mức tiêu thụ ở mức tối thiểu, 2-3 lần mỗi tuần.

Dù hỗ trợ cho sự ổn định nồng độ đường trong máu và làm giảm sức kháng insulin nhưng trong khoai lang vẫn chứa một lượng đường khá cao, nhất là các loại khoai mật. Vì vậy, ăn khoai lang dài ngày có thể dẫn đến tích đường trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều chứng bệnh, cũng như làm bệnh đái tháo đường thêm trầm trọng hơn.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương