Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết 'Nín thở' đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp Giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước: Có nên lạm dụng 'liều thuốc' ngắn hạn? |
Tin vui cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 384/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cuộc họp này do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Việc áp dụng chính sách lệ phí trước bạ là rất tốt cho thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay vì có thể kích thích nhu cầu sử dụng của người dân. Ảnh: Cấn Dũng |
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, phát biểu của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 3 tháng thay vì giảm 6 tháng như đã báo cáo, xin ý kiến Chính phủ trước đó.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến phát biểu đồng thuận tại cuộc họp và giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ, đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 18/8.
Văn phòng Chính phủ được giao khẩn trương xin ý kiến thành viên Chính phủ về nghị định. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2024.
Ngay khi tiếp nhận thông tin kể trên, nhiều người đã mua xe nhưng chờ chính giảm lệ phí trước bạ mới đăng ký đã vỡ òa vì sắp tới có thể tiết kiệm thêm tới vài chục triệu đồng.
Chia sẻ trên một diễn đàn ô tô, anh Vũ Thái Bảo, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Tôi mua xe từ ngày 20/6/2024 vì lúc đó hãng xe Honda đang ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho mẫu SUV CR-V, tương đương 120 triệu đồng. Sau gần 2 tháng, tôi vẫn quyết tâm chờ đợi. Và những ngày tới, khi chính sách này chính thức được ban hành, tôi đi đăng ký xe có thể được giảm thêm khoảng 60 triệu đồng nữa. Thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay mà tiết kiệm gần 200 triệu đồng để mua một chiếc ô tô mới thì rất là tiết kiệm”.
Chưa mua xe sớm như anh Thái Bảo, nhưng nhiều khách hàng có nhu cầu sở hữu ô tô cũng đang rất hào hứng. Vì đầu tháng này, khi việc giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước vẫn chưa có những thông tin rõ ràng, một số hãng xe như Toyota, Honda vẫn tung những chương trình ưu đãi cho ô tô sản xuất trong nước.
Do đó, người mua xe trong khoảng cuối tháng 8 này vẫn xe được hưởng ưu đãi kép. Để tránh đăng ký xe mới vào tháng Ngâu, khách hàng có thể mua xe trong tháng 8 và đăng ký xe trong tháng 9. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, khi chính sách lệ phí trước bạ chính thức được áp dụng, sang tháng 9, các hãng xe sẽ bắt đầu cắt giảm các chương trình ưu đãi.
Trong khi đó, nhiều người chấp nhận đăng ký xe sớm để tránh tháng Ngâu đã bày tỏ sự tiếc nuối.
"Tôi cũng chờ cả tháng rồi, nghe nhiều người nói sau 31/7 mà không công bố thì sẽ không được giảm nên tôi đã đi đăng ký xe ngay hôm sau để tránh tháng Ngâu. Đến giờ có thông tin giảm thì thấy khá buồn vì đã ‘đánh rơi’ gần 100 triệu đồng rồi", anh Ngô Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ.
Rút ngắn thời hạn ưu đãi, chính sách có phát huy tối đa hiệu quả?
Thực tế, từ năm 2020 đến nay, Chính phủ từng 3 lần áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu tiên áp dụng vào nửa cuối năm 2020, lần thứ hai từ tháng 12/2021 - 5/2022, lần thứ ba là vào nửa cuối năm 2023.
Dữ liệu chỉ ra trong 6 tháng cuối năm 2020 khi áp dụng chính sách kể trên, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu hơn 200.000 xe, tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm. Trong lần thứ 2 giảm lệ phí trước bạ, doanh số bán xe toàn thị trường đạt mức kỷ lục hơn 400.000 xe vào năm 2022.
Như vậy, trong các lần giảm vừa qua, doanh số bán ô tô của thị trường Việt Nam đã có những bước nhảy vọt. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với các lần trước là ở lần này, chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước chỉ áp dụng trong 3 tháng, rút ngắn đi một nửa.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, kinh nghiệm triển khai chính sách này trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chính sách đã hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ lượng ô tô tồn kho qua các năm.
Đại diện Cục Công nghiệp lý giải, trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.
“Theo đó, về việc ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng một cách mạnh mẽ và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất và kinh doanh, đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô”- đại diện Cục Công nghiệp cho hay.
Bộ Công Thương ủng hộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói riêng. Tuy nhiên, về lâu dài Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách tăng tỉ lệ nội địa hóa, khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để gia tăng sản xuất các linh phụ kiện trong nước. Đặc biệt, các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp cho việc hạ giá thành sản xuất ô tô, thúc đẩy thị trường sôi động và bền vững hơn là những chính sách mang tính thời điểm.
Chia sẻ với Báo Công Thương, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết việc áp dụng chính sách lệ phí trước bạ là rất tốt cho thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay vì có thể kích thích nhu cầu sử dụng của người dân. Việc mua ô tô mới hầu như đều là quan trọng với các gia đình nên khi có ý định mua xe họ đều đã chuẩn bị một khoản tài chính nhất định. Nên việc giảm trong bao nhiêu tháng thì khách hàng cũng sẽ cố mua xe trong thời gian đó.
“Nhưng khi lượng xe bán ra tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất liệu có chuẩn bị kịp thời sản lượng trong 3 tháng tới để đáp ứng nguồn cung không”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng băn khoăn.
Do đó, nhiều chuyên gia khác cũng nhận định rằng để phát huy tối đa hiệu quả của việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp chỉ trong 3 tháng, các đơn vị sản xuất cần có kế hoạch sản xuất để đảm bảo sản lượng cho người tiêu dùng. Cán cân cung và cầu luôn luôn phải cân bằng. Bởi khi cầu vượt cung, tình trạng bán xe theo kiểu mua “bia kèm lạc” có thể tái diễn như năm 2022. Và khi đó, việc kích cầu thị trường sẽ trở nên phản tác dụng.