Ngưỡng 1.000 điểm có thể là vùng cân bằng mới cho VN-Index

27/02/2023 - 02:35
(Bankviet.com) Đà giảm của chứng khoán thế giới có thể tác động rõ nét hơn trong tuần sau. Do đó, trong kịch bản thận trọng, ngưỡng tâm lý 1.000 điểm có thể là vùng cân bằng mới cho VN-Index ở thời điểm này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần vừa qua và phần thắng dần nghiêng về phe bán. Cụ thể, sau khi hồi phục nhẹ 0,4% vào tuần trước với thanh khoản đi ngang, chỉ số VN-Index bắt đầu tuần mới bằng một phiên tăng điểm mạnh lên mức 1.086,7 điểm (+2,6% so với phiên trước đấy).

Tuy nhiên, những thông tin tiêu cực liên quan tới doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu đã khiến tâm lý thị trường trở nên bi quan cộng hưởng với đà bán ròng của khối ngoại đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ trong 4 phiên cuối tuần.

Ngưỡng 1.000 điểm có thể là vùng cân bằng mới cho VN-Index
Thị trường đang trong xu hướng giảm ngắn hạn nên chiến lược giải ngân từng phần có thể được áp dụng, tránh đua giá trong các nhịp hồi mạnh. Hình minh họa

Kết tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.039,6 điểm (-1,9% so với tuần trước). Tương tự, chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index đều giảm lần lượt về mức 207,3 điểm (-1,3% so với tuần trước) và 76,7 điểm (-2,8% so với tuần trước).

Thanh khoản thị trường tuần qua tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 29,2% lên mức 12.919 tỷ đồng/phiên. Đà giảm của thị trường một phần đến từ khối ngoại với giá trị bán ròng trên sàn HOSE đạt 1.421 tỷ đồng (+201,2% so với tuần trước). Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng trên sàn HNX-INDEX và UPCOM-INDEX với giá trị lần lượt đạt 125 tỷ (+98,4% so với tuần trước) và gần 7 tỷ đồng (-58,3% so với tuần trước).

Nhóm bất động sản tuần qua chịu áp lực nặng nề trước những thông tin tiêu cực liên quan tới chậm trả lãi trái phiếu. Điều này đã làm nhiều cổ phiếu thuộc ngành này có mức giảm sâu như VHM (-5,3%), NLG (-8,9%), DXG (-7,2%) và KDH (-6,5%). Trong khi đó, ngành ngân hàng chứng kiến sự phân hóa giữa các cổ phiếu như TCB (-2,0%), MBB (-2.2%), BID (-2,6%) giảm điểm còn VPB, VCB tăng nhẹ lần lượt 0,9% và 0,2%.

Nhận định về thị trường tuần tới, Chứng khoán VNDirect cho rằng, thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động khi tăng điểm mạnh đầu tuần nhưng sau đó lại giảm liên tiếp 4 phiên và đóng cửa thấp nhất tuần. Diễn biến kém tích cực của thị trường đến từ lo ngại nợ xấu gia tăng liên quan tới một số doanh nghiệp bất động sản lớn.

Bên cạnh đó, khối ngoại chuyển sang bán ròng do lo ngại FED có thể tăng lãi suất điều hành cao hơn kỳ vọng càng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán.

Tuần tới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại đáy ngắn hạn quanh 1.030-1.035 điểm vào đầu tuần. Nếu không giữ được hỗ trợ này, chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh sâu hơn về vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm.

Trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn đang tăng lên, VNDirect cho rằng, những nhà đầu tư kịp chốt lời như khuyến nghị tuần trước ở vùng 1.065-1.080 điểm chưa nên vội bắt đáy trở lại. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ margin hoặc tỷ trọng cổ phiếu cao, nên cân nhắc hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu nếu như chỉ số VN-Index không giữ được hỗ trợ 1.030-1.035 điểm.

Còn theo Công ty chứng khoán MB – MBS, Chứng khoán thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giảm trong tuần tới sau khi lạm phát “nóng” hơn so với dự báo. Hiện giới đầu tư đang dồn sự chú ý đến cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 22/3, thị trường đang định giá mức nâng lãi suất 0,5% với xác suất tăng từ 18% tuần trước lên 27% vào cuối tuần này.

Bên cạnh đó, việc đồng USD đang ở mức cao nhất trong 7 tuần vừa qua có thể tác động rõ nét hơn tới thị trường trong nước ở tuần tới. Mạch bán ròng của khối ngoại có thể còn tiếp diễn trong bối cảnh thanh khoản có dấu hiệu xuống thấp sẽ gây áp lực cho nhóm bluechips cũng như thị trường chung.

Về kỹ thuật, nhịp điều chỉnh 3 trong 4 tuần vừa qua có thể đưa chỉ số Vn-index về lại vạch xuất phát kể từ đầu năm và ngưỡng tâm lý quanh mức 1.000 điểm có thể là địa chỉ được nhiều nhà đầu tư theo dõi bắt đáy.

Nhà đầu tư căn cứ vào các ngưỡng hỗ trợ của cổ phiếu cụ thể để giải ngân hoặc cơ cấu danh mục khi rất nhiều cổ phiếu đã xóa sạch thành quả kể từ đầu năm, thậm chỉ giảm mạnh về vùng hỗ trợ trước chỉ số chung. Thị trường đang trong xu hướng giảm ngắn hạn nên chiến lược giải ngân từng phần có thể được áp dụng, tránh đua giá trong các nhịp hồi mạnh.

Chỉ số VN-Index đã giảm 3 trong 4 tuần gần đây sau khi đạt đỉnh ngắn hạn ở khu vực 1.124 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy nhịp điều chỉnh này có thể kéo chỉ số này về vạch xuất phát kể từ đầu năm khi dòng tiền đã có dấu hiệu giảm mạnh trong phiên cuối tuần.

Bên cạnh đó, đà giảm của chứng khoán thế giới có thể tác động rõ nét hơn trong tuần sau. Do đó, trong kịch bản thận trọng, ngưỡng tâm lý 1.000 điểm có thể là vùng cân bằng mới cho thị trường ở thời điểm này.

Kịch bản lạc quan, chỉ số VN-Index retes thành công các ngưỡng MA50, MA20, MA10.

Kịch bản cơ bản, thị trường tạo vùng cân bằng và dao động ở vùng đáy tháng 2.

Kịch bản thận trọng: Thị trường quay lại điểm xuất phát từ đầu năm và ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm.

Thông tin mới nhất về cổ phiếu FLC

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch 710 triệu cổ phiếu FLC của Công ty CP Tập đoàn ...

Chuyện room ngoại giữa VSD và Sacombank: Cần con số chính xác về tỉ lệ giới hạn sở hữu NĐT nước ngoài

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, VSD và Sacombank cần làm ...

Nhận định chứng khoán ngày 27/2/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 27/2/2023. Tạp ...

Hồng Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán