Sẽ có những nhà đầu tư cá nhân tiếp tục thắng lợi về chứng khoán trong năm 2022 Nhà đầu tư cá nhân Đài Loan muốn tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam |
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tham gia trên thị trường chứng khoán. Đến cuối tháng 7/2022, lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt hơn 6,3 triệu tài khoản, chiếm trên 99% tổng tài khoản toàn thị trường. Con số này đạt tỷ lệ hơn 6% dân số. Nếu so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào cuối năm 2025 thì dịch Covid-19 đã đẩy số nhà đầu tư của thị trường chứng khoán lên mức rất xa.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhà đầu tư cá nhân đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nhiều năm trở lại đây, khối lượng và giá trị giao dịch nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% tổng giá trị giao dịch. Tháng 7/2022, lượng giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm đến 85%. Có thể thấy, việc đầu tư chứng khoán đã thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống hàng ngày của người dân.
Các diễn giả thảo luận về cách thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán |
Chia sẻ tại tọa đàm IR View trong khuôn khổ của sự kiện vinh danh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động Quan hệ nhà đầu tư tốt nhất 2022 (IR Awards) được Vietstock phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức ngày 15/9, bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital cho biết: Gần đây, lượng nhà đầu tư cá nhân tăng cao đã trở thành trụ cột thanh khoản thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã nâng tầm nhận thức và tổ chức các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư thay vì chỉ tổ chức gặp gỡ phân tích. Đây là động thái mở rộng thêm thông tin cho nhà đầu tư cá nhân.
Đặc biệt, theo ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế giới số, xu hướng của các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục tăng vì tỷ lệ dân thu nhập trung bình đang ngày càng tăng lên và sẽ trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Thay vì tiêu xài cho mục đích giải trí, họ sẽ chuyển sang đầu tư để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cuộc sống.
Các chuyên gia đánh giá, sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư cá nhân mới cũng thay đổi thị trường chứng khoán cả về chất lẫn về lượng trong hơn 2 năm trở lại đây. Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tận dụng cơ hội để phát hành cổ phần nhằm huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo đánh giá tình hình thị trường vốn năm 2021 của Bộ Tài chính, tổng giá trị huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt gần 144 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Trong tương lai, thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục khởi sắc để thực hiện đúng vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của doanh nghiệp, nền kinh tế; đồng thời là kênh đầu tư sinh lời, an toàn, hiệu quả. Điều này chắc chắn sẽ hấp dẫn lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường.
Tuy vậy, thị trường vừa qua tăng trưởng nhanh, quy mô lớn. Đi kèm với đó là hành vi thao túng càng ngày càng tinh vi và phức tạp. Mặc dù các cơ chế để kiểm soát đều đã có, nhưng chưa có chế phối hợp giữa các bên. Chẳng hạn, luật đã cho phép cơ quan chức năng tiếp cận sao kê về viễn thông của khách hàng nhưng hiện tại, muốn xin thông tin từ công ty viễn thông cũng chưa có cơ chế.
Để tránh cạm bẫy đầu tư, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư.
“Đầu tư không phải là công việc đơn giản và tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là chơi chứng khoán với mong muốn lãi vài ngày vài phần trăm. Tôi hy vọng nhà đầu tư cá nhân sẽ càng ngày hiểu biết hơn, thận trọng hơn, và có thể đầu tư thông qua các sản phẩm chứng chỉ quỹ để tăng tính an toàn”- ông Đoàn Hồng Việt khuyến cáo.
IR Awards (2011-2022) là Chương trình “Bình chọn doanh nghiệp niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt nhất”, do Vietstock, Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (VAFE) và Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi) đồng tổ chức. Trải qua vòng khảo sát, 736 doanh nghiệp có hoạt động đạt chuẩn công bố thông tin trên sàn chứng khoán đã lộ diện. Từ 736 doanh nghiệp này, hội đồng bình chọn gồm 31 định chế tài chính hàng đầu đã đánh giá hoạt động IR cùng sự đồng thuận bình chọn từ cộng đồng nhà đầu tư đã tìm ra những gương mặt có hoạt động IR tốt nhất 2022. Các doanh nghiệp này có thể kể tới như: Ngân hàng TMCP ACB, Công ty CP FPT, Công ty CP Thế giới số, Công ty CP Tập đoàn Masan… |
Mai Ca