Nhà đầu tư có thể đang hiểu sai về lệnh đình chiến thương mại

15/05/2025 - 09:25
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán tăng mạnh sau tuyên bố tạm đình chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng giới phân tích cảnh báo nhà đầu tư có thể đang hiểu sai bản chất thỏa thuận
Nhịp đập thị trường

Nhà đầu tư có thể đang hiểu sai về lệnh đình chiến thương mại

Hoàng Thái 15/05/2025 06:44

Thị trường chứng khoán tăng mạnh sau tuyên bố tạm đình chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng giới phân tích cảnh báo nhà đầu tư có thể đang hiểu sai bản chất thỏa thuận

Thị trường tài chính toàn cầu đã có phản ứng tích cực khi Mỹ và Trung Quốc công bố tạm ngừng leo thang căng thẳng thương mại trong tuần này. Tuy nhiên, đằng sau sự phấn khích ngắn hạn trên các sàn giao dịch là những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư có thể đang đánh giá quá cao ý nghĩa của "thỏa thuận" vừa đạt được.

Theo ghi nhận trên Phố Wall, nhà đầu tư dường như thở phào nhẹ nhõm sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tuyên bố tạm ngừng áp thuế mới trong 90 ngày. Chỉ số S&P 500 tăng 3% trong phiên đầu tuần và tiếp tục nhích thêm 0,7% vào thứ Ba, trước khi chững lại vào ngày hôm sau.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạm lắng, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạm lắng, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn

Giới phân tích cảnh báo rằng sự lạc quan này có thể thiếu cơ sở, khi những điều khoản thực chất trong thỏa thuận vẫn mơ hồ và thiếu cam kết cụ thể từ phía Trung Quốc.

"Đợt tăng giá này diễn ra quá nhanh và quá mạnh trong bối cảnh chưa có nhiều chi tiết rõ ràng về thỏa thuận," Dave Sekera, chiến lược gia trưởng tại Morningstar nhận định. “Chúng ta cần thêm thông tin về các điều khoản cụ thể, tác động thực sự đến nền kinh tế và doanh nghiệp”.

Theo các nguồn tin, Mỹ đã đồng ý giảm mức thuế quan với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30% (bao gồm các mức thuế liên quan đến fentanyl). Đáp lại, Trung Quốc hạ thuế từ 125% xuống 10% và cam kết tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, chưa có cơ chế thực thi nào được thiết lập, và các vấn đề trọng yếu như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chiến lược vẫn chưa được giải quyết.

Jefferies cho rằng đây là một động thái mang tính biểu tượng hơn là nội dung thực chất. “Đây giống như một nỗ lực truyền thông nhằm trấn an thị trường từ phía Mỹ, hơn là bước tiến rõ ràng trong chính sách thương mại”. báo cáo của công ty viết.

Bức tranh thị trường bị "đánh bóng"

Dù một số tổ chức như Goldman Sachs, JPMorgan Chase hay Barclays đã hạ dự báo nguy cơ suy thoái, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo rằng các yếu tố rủi ro mang tính cấu trúc chưa hề được tháo gỡ. Ông Jeff Buchbinder, chiến lược gia trưởng tại LPL Financial, đánh giá: “Đây chỉ là sự tạm lắng chứ chưa thể gọi là một thỏa thuận thương mại. Mức thuế quan hiện tại vẫn đủ cao để tạo ra sức ép lớn với doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm vẫn được duy trì. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nhấn mạnh sẽ siết chặt việc thực thi và xử phạt các hành vi vi phạm, đồng thời đưa các quy định này vào khuôn khổ đàm phán trong tương lai.

Giới đầu tư có thể đang quên rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump có tiền lệ thay đổi chính sách một cách đột ngột. “Thị trường đang phản ứng theo tiêu đề tin tức, nhưng điều hành nền kinh tế không thể dựa vào chiến thuật truyền thông” - nhà kinh tế học Justin Wolfers nhận xét.

Tác động thực tế của thuế quan, dù đã giảm, vẫn hiện diện. Đối với doanh nghiệp nhỏ, mức thuế 30% tiếp tục là gánh nặng lớn khi chi phí nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm bền vững. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với bất lợi cạnh tranh so với các đối thủ từ châu Âu hay Đông Nam Á – nơi không bị áp mức thuế tương tự.

Ở góc độ vĩ mô, thuế quan vẫn có tính chất gây lạm phát, tạo thêm áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang trong nỗ lực đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. Phó Chủ tịch Fed, ông Philip Jefferson, cảnh báo rằng các rào cản thương mại có thể khiến lạm phát tăng trong ngắn hạn.

Peter Dutton, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường Luật Yale, cho rằng: “Đây chỉ là bước mở đầu của một quá trình ổn định lâu dài, chứ không phải hồi kết của xung đột kinh tế Mỹ - Trung”.

Dù thị trường đang phản ánh kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn, cấu trúc thuế quan hiện tại và các bất đồng cốt lõi giữa hai bên cho thấy con đường đàm phán vẫn nhiều chông gai. Trong bối cảnh đó, việc thị trường chứng khoán tăng mạnh có thể chỉ là phản ứng trước một "ảo ảnh" – nơi hình thức được ưu tiên hơn nội dung thực tế.

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán