Trái phiếu bất động sản khu công nghiệp ảm đạm giữa kỳ vọng tăng trưởng toàn ngành
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 tiếp tục duy trì ổn định với điểm sáng từ ngành bất động sản dân cư, ô tô và năng lượng. Ngược lại, nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 được dự báo sẽ duy trì sự ổn định về quy mô phát hành, với điểm sáng đến từ các ngành bất động sản dân cư, ô tô và điện. Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng hồi phục chung, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm, chủ yếu do ảnh hưởng từ các rủi ro thuế quan và dòng vốn đầu tư nước ngoài suy giảm.
Theo báo cáo mới nhất từ VISRating, tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phi tài chính trong năm 2024 đã đạt 150 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm trước. Đáng chú ý, gần một nửa trong số này được dùng để tái cơ cấu nợ. Bước sang năm 2025, hoạt động phát hành được dự báo sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ hiện tại, song cơ cấu ngành phát hành sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Trong bức tranh chung, các chủ đầu tư bất động sản nhà ở vẫn giữ vai trò dẫn dắt. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vốn từng là điểm sáng những năm trước lại đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, rủi ro thuế quan từ thị trường Mỹ đã khiến dòng vốn FDI đăng ký mới giảm 24% trong 4 tháng đầu năm 2025, sau mức giảm nhẹ 3% cùng kỳ năm trước. Sự không chắc chắn này có thể khiến các chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp trì hoãn kế hoạch mở rộng hoặc triển khai dự án mới.
Dù tiếp cận tín dụng ngân hàng đang thuận lợi hơn nhờ chính sách giảm hệ số rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tổng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong năm 2024 đã giảm 18%. Trong khi đó, dư nợ vay ngân hàng lại tăng mạnh 34%, phản ánh sự thay đổi cấu trúc nguồn vốn, chuyển từ kênh trái phiếu sang tín dụng ngân hàng. Với bối cảnh đó, VISRating nhận định hoạt động phát hành trái phiếu của nhóm này trong năm 2025 sẽ vẫn bị giới hạn.
Ngược lại, ngành bất động sản dân cư đang có những điều kiện lý tưởng để đẩy mạnh phát hành. Nhu cầu nhà ở tăng mạnh, đặc biệt tại các đô thị lớn, kết hợp với sự hoàn thiện pháp lý và tín dụng ngân hàng thuận lợi, tạo tiền đề để các chủ đầu tư tăng tốc phát triển dự án. Dự kiến tăng trưởng phát hành trái phiếu ngành này trong năm 2025 sẽ tương đương mức 13% năm trước, tập trung chủ yếu vào việc tái cấu trúc nợ và bổ sung vốn lưu động.

Trong khi đó, ngành ô tô và năng lượng cho thấy tiềm năng bùng nổ. Với việc chính sách xóa bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2025, các doanh nghiệp như VinFast và Tasco được kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động sản xuất trong nước, sử dụng thị trường trái phiếu làm kênh huy động vốn. VISRating ước tính, hoạt động phát hành trong ngành ô tô có thể tăng đến 33% trong năm 2025.
Ngành điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cũng sẽ sôi động hơn vào cuối năm nay nhờ các cơ chế giá mới đang dần được hoàn thiện. Với 30% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn liên quan đến các dự án điện chuyển tiếp, việc sớm đạt được thỏa thuận giá bán điện và vận hành thương mại sẽ giúp cải thiện dòng tiền, nâng cao khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ.
Tổng giá trị trái phiếu phi tài chính đáo hạn trong năm 2025 ước đạt 151 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2024. Mặc dù khối lượng đáo hạn tăng, nhưng rủi ro tái cơ cấu nợ đang được kiểm soát tốt nhờ sự chủ động của các tổ chức phát hành. Trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã tăng mạnh hoạt động mua lại trước hạn, với tổng giá trị tăng 97% so với cùng kỳ. Đặc biệt, có tới 73% trong số 13.200 tỷ đồng trái phiếu mới phát hành trong giai đoạn này được sử dụng để tái cấu trúc nợ.
Đáng chú ý, khoảng 60% lượng trái phiếu đáo hạn năm 2025 thuộc lĩnh vực bất động sản dân cư – nhóm ngành hiện đang có triển vọng tích cực và khả năng huy động vốn hiệu quả. Điều này cho phép các chủ đầu tư dễ dàng thanh toán nghĩa vụ nợ hoặc đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện đang xử lý nợ trái phiếu đáo hạn thông qua việc hoàn tất vận hành dự án và cải thiện dòng tiền.
Nhìn chung, năm 2025 được dự báo là giai đoạn “lọc nhiễu” mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành có triển vọng tích cực, nhu cầu nội địa cao và chính sách hỗ trợ rõ ràng sẽ tiếp tục tận dụng tốt thị trường trái phiếu để huy động vốn. Ngược lại, những nhóm ngành nhạy cảm với biến động thương mại toàn cầu như bất động sản khu công nghiệp sẽ cần thời gian để tái định vị chiến lược tài chính trước khi trở lại mạnh mẽ hơn.