Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 19/11/2021.
Có thể sẽ vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh
(CTCK Yuanta Việt Nam – FSC)
Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh và phân hóa trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường tiếp tục tăng dần và dòng tiền ngắn hạn vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ khó có thể tìm kiếm lợi nhuận cao. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ trong vùng lạc quan quá mức.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức TĂNG xuống TRUNG TÍNH. Đồng thời, chúng tôi cũng hạ xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN30 xuống mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét tiếp tục hạ margin về mức thấp.
VN-Index có nhịp tăng điểm vào cuối phiên sáng, chớm vượt đỉnh ngắn hạn, trước khi đảo chiều suy yếu và sụt giảm về cuối phiên 18/11. KBSV cho rằng mẫu hình nến hướng lên đang dần hình thành và đã bắt đầu gây ra những tác động lo ngại đến tâm lý thị trường. Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh là hiện hữu nếu chỉ số phá vỡ cạnh dưới của mẫu hình, nằm tại quanh 1.465 điểm.
Mặc dù vậy, ý nghĩa của mẫu hình này hiện chỉ mang tính ngắn hạn và kể cả trong trường hợp phá vỡ cạnh dưới, VN-Index vẫn có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ đáng chú ý quanh 1.450 (+/-5) điểm. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ 1 phần vị thế bám theo xu hướng chính ở mức cân bằng và linh hoạt trading quay vòng phần còn lại, mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự để tăng hiệu quả cho danh mục.
Trong phiên giao dịch ngày 18/11, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, và đóng cửa giảm hơn 6 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 6,02 điểm (giảm 0,41%), đóng cửa ở mức 1.469,83. Thanh khoản HOSE ở mức gần 1.091 triệu cp (tăng 27%), giá trị gần 34.900 tỷ đồng (tăng 34%).
Thị trường phiên 18/11 ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản tăng khá, và áp lực bán có phần gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30). Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng mạnh, qua đó giúp thị trường không bị giảm quá sâu.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 19/11, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.460-1.465 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.470-1.475 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.480-1.485 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Tăng điểm trở lại
(CTCK Sài Gòn – Hà Nội – SHS)
Lại thêm một phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 khá điển hình nữa khi mà lực mua hoặc bán gia tăng mạnh trong phiên ATC và hôm nay thì lực bán áp đảo khiến cho VN30 giảm 1,06%.
Tuy nhiên, với phiên giảm điểm tương đối nhẹ của chỉ số Vn-Index (-0,41%) thì xu hướng hiện tại của thị trường vẫn không có gì thay đổi và chỉ số này vẫn duy trì khả năng hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong thời gian tới.
Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 19/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng nếu có nhịp test lại hỗ trợ 1.450 điểm lần nữa.
Thị trường trong nhịp tăng/giảm đan xen kể từ đầu tuần dưới sức ép từ nhóm VN30. Với phiên giảm trên 1% hôm nay, chỉ số Vn30 hiện đang ở ngưỡng hỗ trợ ứng với đỉnh tháng 6 và tháng 8 vừa qua, do vậy khả năng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong phiên cuối tuần hoặc những phiên sắp tới. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap vẫn trong quá trình tìm các đỉnh cao mới khi dòng tiền chủ yếu tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là các cổ phiếu trên sàn Upcom.
Bất chấp thị trường điều chỉnh và vẫn trong xu hướng đi ngang suốt 9 phiên vừa qua nhưng số cổ phiếu chốt phiên tăng trần vẫn rất ấn tượng, điển hình như trong phiên này vẫn có tới 140 mã tăng trần.
Về kỹ thuật, thị trường có khả năng phục hồi trong phiên ngày mai khi nhóm VN30 đang ở ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, dòng tiền vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó đang chú ý là nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản hoặc cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ.
Nhìn chung, dòng tiền hiện không còn “nhiệt tình” với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như trước khi mà VN-Index đã tăng khá mạnh kể từ nửa cuối tháng 10 và hiện đang tiệm cận ngưỡng 1.500 điểm, thể hiện qua sự phân hóa rõ nét của nhóm cổ phiếu "trụ" trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, mức giảm của chỉ số chung trong phiên 18/11 là không quá lớn và thực tế chỉ số vẫn đang trong giai đoạn tích lũy tạo nền ngắn hạn trong quá trình hướng tới các mốc điểm số cao hơn.
VCBS cho rằng những chính sách ổn định nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam sau làn sóng dịch thứ 4 được kỳ vọng sẽ góp phần giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư và theo đó nâng đỡ chỉ số chung cũng như hạn chế khả năng chỉ số lao dốc sâu. Do đó, đây là thời điểm khá phù hợp để nhà đầu tư dài hạn có thể lựa chọn tích lũy một số cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn và triển vọng ổn định hoặc vẫn tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam