Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024 Bộ Y tế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Phối hợp tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế |
Năm 2024 mặc dù dự báo nền kinh tế tiếp tục phục hồi song với riêng ngành y tế vẫn phải đối mặt các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng.
Bộ Y tế gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I/2024 |
Vì vậy, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong quý I/2024, Bộ Y tế thực hiện một số pháp trọng tâm: Thứ nhất, tăng cường xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trên cơ sở Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 32/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, đề án, văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Y tế năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Nghị định hướng dẫn Luật; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật phòng bệnh, Luật về thiết bị y tế, Luật an toàn thực phẩm.
Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện các nhiệm vụ được liên quan đến lĩnh vực y tế; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định vướng mắc, bất cập, chồng chéo để kịp thời sửa đổi, bổ sung, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành y tế và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực y tế.
Thứ hai, tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong mùa lễ hội xuân 2024. Theo đó, tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
Bộ y tế cũng yêu cầu các bệnh viện trực thuộc nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người. Thực hiện nghiêm quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ; chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế bảo đảm khám, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, pháo nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Thực hiện công tác hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; sàng lọc, phân loại, phân luồng người bệnh đến khám, chữa bệnh; Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc triển khai các công tác khám, chữa bệnh theo quy định.
Riêng với công tác an toàn thực phẩm: Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm; tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương chỉ đạo địa phương, cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/02/2024), Bộ Y tế cho biết, ngày 17/1, đã ban hành Quyết định 128/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2024. Hướng tới 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch 63/KH-BYT ngày 12/01/2024 tổ chức hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam với chủ đề: "Ngành Y tế: Đoàn kết – Chung sức – Đồng lòng". 100% các đơn vị trong toàn ngành y tế triển khai thực hiện kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, và tình hình cụ thể của từng đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
Ngày 1/2/2024, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông trong Quý I năm 2024, trong đó, Bộ Y tế phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương tổ chức Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VI sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 26/2; thực hiện nhiều chương trình tọa đàm đặc biệt, phát thanh đặc biệt, phim tài liệu, phóng sự, tin bài phỏng vấn các tập thể, cá nhân tiêu biểu… nhằm ghi nhận và tôn vinh những công lao đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhân dịp này, Bộ Y tế sẽ tổ chức tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân, gương điển hình tiên tiến… nhằm nêu gương, lan tỏa hình ảnh đẹp, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế luôn sẵn sàng cống hiến, vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thanh Tâm