SSI Research: NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ tỷ giá USD trong thời gian tới | |
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “chỉnh sâu”, duy nhất LPB ngược dòng tăng giá |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Như vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay được tăng lên thành 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam: "Những năm trước, việc cung cấp thêm room tín dụng là bình thường vì thời điểm cuối năm, NHNN thường mở thêm 1 - 2% room. Tuy nhiên, cuối năm nay, khi tăng thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng lại là điều khá bất ngờ. Bởi các nhà điều hành trong năm luôn muốn duy trì tăng trưởng tín dụng là 14%".
Chuyên gia cho rằng "room" tín dụng được nới là điều khá bất ngờ. Ảnh minh họa |
Từ tháng 8 tới nay, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng mạnh, khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hồi phục hậu Covid - 19.
Chuyên gia cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất cho vay tăng mạnh là do room tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu thì lớn. Có nghĩa là nguồn cung tiền thấp đã làm lãi suất cho vay tăng nóng.
Theo đó, khi NHNN cấp thêm room mới sẽ giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt. Nhiều khả năng thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại. Ông Minh dự báo, nhiều khả năng lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Đại diện Yuanta Việt Nam cũng cho biết, việc nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng, tương đương với việc có thêm 200.000 tỷ đồng, điều này không ảnh hưởng tới lạm phát. Thời gian qua, tình hình lạm phát toàn cầu tăng nóng, trong khi lạm phát tại Việt Nam ở mức 4,5%. Kể từ thời điểm năm 2013 tới nay, lạm phát Việt Nam trung bình là 5%, như vậy hiện tại vẫn dưới mức này.
"Dù có bơm thêm 1,5 - 2% tín dụng cũng không gây ảnh hưởng tới lạm phát. Cơ bản thì một điểm tích cực trong thời gian qua là giá hàng hóa có xu hướng hạ nhiệt trên thế giới, nhất là với giá dầu. Vì vậy, không cần lo ngại vấn đề lạm phát khi nới thêm room tín dụng.”, Ông Minh cho biết.
Ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chỉ ra, để tháo gỡ tình trạng căng thẳng của thanh khoản hệ thống có hai vấn đề chính là ngân hàng và ngân sách.
Ông Hòe kiến nghị Ngân hàng Trung ương cần tính toán kỹ để sớm bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước cần được giải ngân dứt khoát, tập trung vào những công trình trọng điểm, giải ngân để các dự án được hoàn thiện. Nếu tỷ lệ giải ngân cao nhưng dàn trải thì lại dở dang và không phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng hạn mức tín dụng phải tính tới sự đóng băng của thị trường trái phiếu.
Khi thị trường này rơi vào giai đoạn kiệt quệ, thanh khoản đóng băng, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm sút thì họ cần có các kênh tiếp cận vốn khác để bù đắp.
Chuyên gia Phạm Thế Anh đề xuất, để kiểm soát lạm phát dài hạn, NHNN cần kiểm soát nguồn cung tiền, nhất là lượng tiền cơ sở trong mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng cần để các ngân hàng thương mại tự quyết, miến sao họ đáp ứng những chuẩn mực an toàn của các cơ quan quản lý.
Lâm Tuyền