Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu DAG của Công ty CP Nhựa Đông Á giảm mạnh hết biện độ (-6,59%) xuống còn 1.560 đồng/cổ phiếu với hơn 740 nghìn cổ phiếu được giao dịch. Phiên nằm sàn này của DAG đến ngay sau thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có văn bản gửi Nhựa Đông Á về việc đưa cổ phiếu DAG vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/8.
Theo HOSE, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á hiện đang trong tình trạng hạn chế giao dịch theo Quyết định số 262/QĐ- SGDHCM ngày 17/5/2024, do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Ngày 2/8/2024, HOSE đã có công văn nhắc nhở doanh nghiệp này chậm công bố thông tin sự kiện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ quy định về quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, chứng khoán bị đình chỉ giao dịch trong trường hợp tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Do đó, cổ phiếu DAG đã rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
"Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ thực hiện chuyển cổ phiếu DAG từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch", văn bản của HOSE nêu rõ.
Cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á chính thức bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/8 |
Công ty CP Nhựa Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Đông Á có mặt trên thị trường từ năm 2001 và là thương hiệu nổi tiếng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nhựa dùng trong công nghiệp xây dựng và quảng cáo.
Nhựa Đông Á chuyển đổi sang công ty cổ phần từ năm 2006, hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á giữ vai trò là công ty mẹ và có 3 công ty con với 3 nhà máy sản xuất chủ lực phục vụ chủ yếu cho ba thị trường Bắc, Trung, Nam.
Dấu ấn nổi bật của Nhựa Đông Á là sự kiện niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán DAG vào năm 2010.
Trước đại dịch Covid, năm 2017 là năm hoàng kim nhất trong lịch sử hoạt động của Nhựa Đông Á với doanh thu, lợi nhuận đạt kỷ lục. Giai đoạn này, cả nước có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp nhựa hoạt động. Bên cạnh Tiền Phong và Bình Minh nắm thị phần lớn nhất mảng ống nhựa, DAG cũng khẳng định được vị thế trong mảng nhựa vật liệu xây dựng, với 20% - 25% thị phần toàn quốc. Nhựa Đông Á thậm chí còn được ví như ngôi sao sáng mới nổi của ngành.
Không chỉ mạnh về các sản phẩm nhựa nội, ngoại thất, sau này, DAG còn tự sản xuất và kinh doanh hạt nhựa tái sinh. Năm 2021, DAG đầu tư thêm hai dây chuyền sản xuất hạt nhựa nhằm đón đầu nhu cầu hạt nhựa của thị trường Trung Quốc.
Nhà máy Nhựa Đông Á (Ảnh: Nhựa Đông Á) |
Thành công của DAG cũng gắn liền với bối cảnh quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng vật liệu tăng cao. Nhựa Đông Á đi đúng xu hướng vật liệu xây dựng xã hội ưa chuộng, là cửa nhựa với tính năng bền, đẹp, rẻ thay thế cửa gỗ.
Thế nhưng giờ đây, mọi chuyện đã rất khác, từ một doanh nghiệp có vị thế cao với doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, lợi nhuận của DAG lao dốc lần đầu tiên vào năm 2020, do ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch bệnh Covid. Giá nguyên vật liệu ngành nhựa biến động mạnh là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của DAG sụt giảm mạnh, thậm chí dẫn đến trắng lợi nhuận như hiện nay.
Từ đầu năm 2023 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của DAG trải qua giai đoạn tệ hại với 6 quý liên tiếp không mang về nổi một đồng tiền lãi. Cụ thể, giai đoạn thua lỗ của DAG bắt đầu từ Quý 1/2023, khi công ty ghi nhận doanh thu 558,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế 21,4 tỷ. Tình trạng thua lỗ tăng lên đỉnh điểm tại quý 2/2023 với 102,7 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối cùng của năm 2023, doanh thu của DAG liên tục lao dốc, giảm xuống lần lượt tại 213,8 tỷ và 30,7 tỷ đồng, DAG lỗ lần lượt 16,2 tỷ và 22,3 tỷ đồng tại 2 quý này.
Sang đến năm 2024, DAG ghi nhận doanh thu quý 1 đạt 30,3 tỷ đồng, lỗ sau thuế 15 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý 2/2024 cũng không mấy sáng sủa, thậm chí còn tệ hơn trước. Doanh thu mang về chỉ đạt 55,3 tỷ đồng nhưng giá vốn chiếm tới 81,1 tỷ khiến công ty lỗ gộp 10,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, áp lực từ chi phí lãi vay vẫn chiếm tới 36,5 tỷ đồng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp 4,3 tỷ đã khiến DAG lỗ sau thuế lên tới 66,6 tỷ đồng.
Vốn góp của chủ sở hữu ban đầu là 603,1 tỷ nhưng do thua lỗ liên tiếp đã bị bào mòn chỉ còn lại 27,3 tỷ đồng |
Những khoản thua lỗ liên tiếp đã khiến Nhựa Đông Á gặp vấn đề lớn trong việc duy trì nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Tại cuối quý 2/2024, tổng tài sản công ty còn lại 1.394,8 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt chỉ còn ghi nhận 843 triệu đồng. Khoản phải thu từ khách hàng ghi nhận 298,9 tỷ đồng cùng hàng tồn kho chiếm 535,5 tỷ. Bên cạnh đó tài sản cố định cũng đang chiếm 560,6 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn hiện tại của DAG phần lớn là từ nợ vay. Cụ thể, nợ phải trả đang chiếm 1.367,6 tỷ đồng, tương đương 98% tổng nguồn vốn. Trong đó lượng nợ vay ngắn hạn chiếm 733,6 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 412,1 tỷ đồng.
Vốn góp của chủ sở hữu ban đầu là 603,1 tỷ nhưng do thua lỗ liên tiếp đã bị bào mòn chỉ còn lại 27,3 tỷ đồng. Phần vốn chủ còn lại này tương đương chỉ hơn 4% tổng nguồn vốn. Nguyên nhân do khoản lỗ sau thuế chưa phân phối trên BCTC đang ghi nhận tới 641 tỷ đồng.
Cổ phiếu hàng hải có sóng, chứng khoán tiếp đà hồi phục Mặc dù thanh khoản của thị trường chứng khoán tiếp tục suy giảm nhưng nỗ lực từ VN30 cùng nhóm hàng hải đã giúp VN-Index ... |
Nhận định chứng khoán phiên 13/8: Mốc 1.240 điểm là mục tiêu ngắn hạn Nhận định về diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán, SHS cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục phục hồi hướng đến vùng 1.240 ... |
Giải mã pha bứt tốc của cổ phiếu Chứng khoán Hòa Bình (HBS) Khởi đầu tuần mới bằng một phiên tăng hết biên độ, cổ phiếu HBS của Chứng khoán Hòa Bình đã có chuỗi 5 phiên tăng ... |
Lưu Lâm