Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024

05/03/2024 - 19:13
(Bankviet.com) Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều. Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ những điểm mới, nổi bật của Luật này.
Tóm tắt: Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều. Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ những điểm mới, nổi bật của Luật này.  

Từ khóa: Điểm mới, nổi bật, Luật Các TCTD năm 2024.    

EMERGING POINTS OF THE LAW ON CREDIT INSTITUTIONS IN 2024

Abstract: On January 18, 2024, the XV National Assembly passed the Law on Credit Institutions in 2024 with 15 Chapters and 210 Articles. The Law on Credit Institutions in 2024 has closely followed views of the Party and the State on perfecting the legal framework on currency and banking activities according to the principle of the State-managed market; overcoming current problems and inadequacies; refering to international practices, experience and suitability of the development strategy of the banking industry. Starting from there, the article focuses on clarifying a number of emerging points of the Law on Credit Institutions 2024 that has just been passed by the National Assembly.

Keywords: New, outstanding, the Law on Credit Institutions in 2024.
 
1. Đặt vấn đề

Ngày 18/01/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các TCTD và Luật này chính thức bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2024. Theo đánh giá của nhiều tổ chức, chuyên gia tài chính, việc thông qua Luật Các TCTD (sửa đổi) giúp gia tăng mức độ an toàn của hệ thống TCTD với các quy định phòng ngừa rủi ro tăng cường hơn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, chi phối TCTD
1. Luật Các TCTD năm 2024 đã hoàn thiện quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng rõ ràng, minh bạch, xử lý các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tạo cơ sở để TCTD đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
 

Luật Các TCTD năm 2024 được đánh giá là tương đối chặt chẽ, tạo được hành lang pháp lý cần thiết giúp các TCTD xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với thông lệ và thực tiễn hoạt động (Nguồn: Internet)

2. Những điểm mới, nổi bật của Luật Các TCTD năm 2024

So với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 có những điểm mới, nổi bật đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về hình thức: So với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 có sự gia tăng về số lượng chương và điều luật. Nếu như Luật Các TCTD hiện hành chỉ gói gọn trong 10 chương với 163 điều luật thì Luật Các TCTD năm 2024 đã được nâng lên thành 15 chương với 210 điều luật.

Cụ thể: Chương 1 quy định về những vấn đề chung với 15 điều luật; Chương 2 quy định về ngân hàng chính sách với 11 điều luật; Chương 3 quy định về giấy phép với 11 điều luật; Chương 4 quy định về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 61 điều luật; Chương 5 quy định về hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 33 điều luật; Chương 6 quy định về văn phòng đại diện nước ngoài với 02 điều luật; Chương 7 quy định về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 10 điều luật; Chương 8 quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo gồm 12 điều luật; Chương 9 quy định về can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 06 điều luật; Chương 10 quy định về kiểm soát đặc biệt TCTD với 29 điều luật; Chương 11 quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt; vay, cho vay đặc biệt với 04 điều luật; Chương 12 quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm với 06 điều luật; Chương 13 quy định về tổ chức lại, giải thể, phá sản, thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản với 05 điều luật; Chương 14 quy định về quản lý nhà nước với 03 điều luật; Chương 15 quy định về điều khoản thi hành với 02 điều luật.

Như vậy, về mặt cấu trúc, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung Chương II về ngân hàng chính sách, chuyển Chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu lên trước Chương về tổ chức lại, giải thể, phá sản. Đồng thời, Chương về kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt được tách ra thành 2 chương gồm: (i) Xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt (Chương XI); (ii) Vay, cho vay đặc biệt (Chương XII).

Thứ hai, về nội dung: Luật Các TCTD năm 2024 có những nội dung nổi bật, đáng chú ý như sau:

Một là, về phần nội dung các quy định chung. Ở phần này Luật Các TCTD năm 2024 đã có những điểm mới nhất định trên cơ sở sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định của Luật Các TCTD hiện hành.

Cụ thể: Về phạm vi điều chỉnh, so với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung thêm các quy định về can thiệp sớm vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, tại Điều 1 Luật Các TCTD 2024 đã bổ sung: “việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ” cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các TCTD năm 2024
1.

Về đối tượng áp dụng, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định bổ sung các tổ chức mua bán, xử lý nợ cũng thuộc đối tượng áp dụng của Luật
3.

Về áp dụng Luật Các TCTD, điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và các luật có liên quan, so với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ quy định về áp dụng Luật Các TCTD, điều ước quốc tế và các luật có liên quan mà chỉ dừng lại ở việc áp dụng tập quán thương mại
4.

Về giải thích từ ngữ, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định bổ sung giải thích mới về các từ ngữ như: Công ty kiểm soát, công ty tài chính chuyên ngành, công ty tài chính tổng hợp, rút tiền hàng loạt, phương thức chuyển giao bắt buộc, thư tín dụng, TCTD hỗ trợ, vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn được cấp
5.

Về sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung thêm cụm từ “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân”, đây là những thuật ngữ chưa được ghi nhận tại Luật Các TCTD hiện hành. Theo đó, tổ chức không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép sử dụng cụm từ như “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân”… trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, từ ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
6.

Về quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”
7.

Về quyền hoạt động ngân hàng, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”
8.

Về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các TCTD, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này”
9.

Về trách nhiệm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Luật TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép ngừng giao dịch quá 01 ngày làm việc”. Luật Các TCTD năm 2024 không còn quy định ghi nhận về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Về người đại diện theo pháp luật của TCTD, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định: “3. TCTD phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về người đại diện theo pháp luật của TCTD trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bầu, bổ nhiệm chức danh đảm nhiệm người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều lệ hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật. NHNN thông báo người đại diện theo pháp luật của TCTD cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã”
10.

Về cung cấp thông tin, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung nội dung quy định: “4. Khi thực hiện giao dịch với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó”
11.

Về bảo mật thông tin, Luật Các TCTD năm 2024 đã có sự thay đổi nội dung quy định từ “không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng” thành “không được cung cấp thông tin khách hàng”
12.

Đặc biệt, Luật Các TCTD năm 2024 đã bỏ nội dung quy định về cơ sở dữ liệu dự phòng, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và bổ sung thêm quy định mới về “An toàn dữ liệu và bảo đảm hoạt động liên tục” (Điều 14) và các “Hành vi bị nghiêm cấm” (Điều 15).

Hai là, bổ sung mới Chương II về ngân hàng chính sách. Nội dung Chương này được xây dựng trên cơ sở mở rộng Điều 17 của Luật Các TCTD năm 2010 với việc quy định chi tiết nhiều vấn đề hơn từ Điều 16 đến Điều 26 của Luật Các TCTD năm 2024.

Ba là, bổ sung một số nhóm người liên quan TCTD. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định bổ sung thêm một số nhóm người có liên quan bao gồm: “Công ty con của công ty con của TCTD
13; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột”14; xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân là cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân15. Quy định nêu trên đã bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan.

Bốn là, cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. Điều 15 Luật Các TCTD năm 2024 nghiêm cấm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đây là một quy định mới so với Luật Các TCTD hiện hành, quy định này được đánh giá là cần thiết để góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động bán bảo hiểm cũng như ngăn chặn tình trạng các TCTD ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm trái với nhu cầu và ý muốn của họ khi tiếp cận các khoản vay.

Năm là, hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
16. Để giảm bớt thủ tục liên quan đến cấp phép, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc quy định hợp nhất này là một bước đột phá trong giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phù hợp với chính sách chung của Chính phủ, giảm đáng kể thời gian, chi phí mà cơ quan đăng ký kinh doanh và TCTD phải sử dụng nguồn lực vào việc thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Việc quy định hợp nhất này là cần thiết bởi việc thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh như quy định hiện hành tại Luật Các TCTD về bản chất cũng là thực hiện thủ tục để cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin, dữ liệu lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho mục đích quản lý17. Toàn bộ quy trình kiểm tra, xét duyệt điều kiện cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép đã được thực hiện bởi cơ quan quản lý là NHNN. Do đó, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi đã thực hiện thủ tục đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép tại NHNN là trùng lặp, làm gia tăng chi phí cho cơ quan quản lý nhà nước, TCTD và toàn xã hội. Ngoài ra, việc quy định hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn thể hiện sự phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sáu là, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin. Đây là quy định mới đáng chú ý tại Điều 49 Luật Các TCTD năm 2024. Cụ thể, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp cho TCTD các thông tin gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; thông tin về người có liên quan; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại TCTD đó; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại TCTD đó
18. TCTD phải niêm yết, lưu giữ thông tin của các cổ đông này tại trụ sở chính của TCTD và gửi báo cáo cho NHNN. Định kỳ hằng năm, TCTD công bố thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của TCTD. TCTD phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD và thông tin số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của TCTD trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày TCTD nhận được thông tin cung cấp. Đối tượng cung cấp, công bố công khai thông tin phải bảo đảm thông tin cung cấp, công bố công khai trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp, công bố công khai thông tin đó. Việc bổ sung quy định mới này là rất cần thiết bởi điều này sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch.

Bảy là, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông. So với quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, Điều 63 Luật Các TCTD năm 2024 đã giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và của nhóm cổ đông và người có liên quan trong TCTD. Cụ thể, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một TCTD (không đổi); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%) vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một TCTD. Đồng thời, cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định. Các cổ đông, cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 01/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu
19.​ Quy định này được cho là để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của TCTD, giúp tăng tính đại chúng của TCTD, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các TCTD trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Tám là, bổ sung quy định về xét duyệt các khoản vay tiêu dùng. Trước đây, Luật Các TCTD năm 2010 chưa có quy định cụ thể về các khoản vay có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, tại Điều 102 Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định rõ các TCTD phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản vay có mức giá trị nhỏ như: Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của TCTD phi ngân hàng; khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô. Quy định này góp phần đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong hoạt động cho vay.

Chín là, giảm dần mức cấp tín dụng theo từng giai đoạn. Từ 01/7/2024, Luật Các TCTD năm 2024 quy định giảm dần giới hạn cấp tín dụng theo từng giai đoạn theo quy định tại Điều 136 như sau: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của NHTM, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây: (i) Từ ngày 01/7/2024 đến trước ngày 01/01/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (ii) Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (iii) Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (iv) Từ ngày 01/01/2028 đến trước ngày 01/01/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; (v) Từ ngày 01/01/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng trên không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
20

Điểm đáng chú ý, TCTD không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan 15% (giảm từ 25%). Tuy nhiên, việc giảm này cũng sẽ diễn ra theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 01/01/2026 thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có với một khách hàng và người có liên quan; đến ngày 01/01/2027, xuống 13% và 21%; đến ngày 01/01/2028 xuống 12% và 19%; đến ngày 01/01/2029 thì buộc phải đáp ứng quy định. Việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan nhằm giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho TCTD.

Mười là, bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt. Luật Các TCTD năm 2024 cũng đã bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một TCTD bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của TCTD và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền. Để hạn chế nguy cơ rủi ro do rút tiền hàng loạt gây ra, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung thêm quy định về việc NHNN can thiệp sớm vào các TCTD khi có một số dấu hiệu bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN
21. TCTD bị rút tiền hàng loạt phải báo cáo NHNN và thực hiện ngay các biện pháp gồm: (i) Không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của TCTD; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng; (ii) Thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt quy định tại Điều 143 của Luật này; cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết. Trường hợp TCTD đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt, TCTD đó phải báo cáo NHNN về tình trạng rút tiền hàng loạt và rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158 và Điều 160 của Luật này. TCTD thực hiện phương án khắc phục đã được xây dựng, điều chỉnh. TCTD được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây khi bị rút tiền hàng loạt: (i) Bán giấy tờ có giá cho NHNN trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%; (ii) Thực hiện giao dịch ngoại tệ với NHNN để bảo đảm thanh khoản theo quy định của Thống đốc NHNN; (iii) NHTM, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ NHNN; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ TCTD khác22.

Mười một là, quy định can thiệp sớm các TCTD yếu kém. Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung hẳn một chương gồm 06 điều luật (từ Điều 156 đến Điều 161) quy định về các biện pháp can thiệp sớm các TCTD yếu kém. Theo đó, NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau đây: (i) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định; (ii) Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc NHNN; (iii) Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; (iv) Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 06 tháng liên tục; (v) Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN.

Các yêu cầu đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm: (i) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; (ii) Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát; (iii) Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.

Các biện pháp hạn chế đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm: (i) Không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản; (ii) Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng; (iii) Đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động; (iv) Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (v) Yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm; (vi) Biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN.

Với việc đưa ra các quy định này, Luật Các TCTD năm 2024 đã có sự thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm TCTD phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định yêu cầu các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm. Quy định này nhằm yêu cầu các NHTM có sẵn các kịch bản cho trường hợp bị can thiệp sớm. Theo đó, khi TCTD có vấn đề phát sinh thì triển khai ngay các giải pháp cần thiết, đảm bảo tính kịp thời. Theo tinh thần của Luật Các TCTD năm 2024, can thiệp sớm không phải là một trạng thái xử lý cụ thể. Trên tinh thần từ xa, từ sớm, khi phát hiện các TCTD thuộc trường hợp can thiệp sớm, NHNN có văn bản gửi TCTD để thực hiện các yêu cầu, hạn chế, xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các vấn đề trong hoạt động của TCTD để TCTD đó quay trở lại hoạt động bình thường. Luật Các TCTD năm 2024 cũng bổ sung các trường hợp can thiệp sớm so với Luật Các TCTD hiện hành như trường hợp TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ… Trong quá trình TCTD thực hiện phương án khắc phục, NHNN có thể xem xét điều chỉnh theo hướng áp dụng bổ sung thêm, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian áp dụng các biện pháp, hạn chế để phù hợp với tình hình thực hiện phương án khắc phục của TCTD. Trường hợp TCTD thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường thì việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của NHNN cũng chấm dứt. Quy định này nhằm yêu cầu các NHTM có sẵn các kịch bản cho trường hợp bị can thiệp sớm. Theo đó, khi TCTD có vấn đề phát sinh thì triển khai ngay các giải pháp cần thiết, đảm bảo tính kịp thời.

Mười hai là, được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 200. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD, công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Đồng thời, không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản. Quy định này được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Mười ba là, tạo hành lang pháp lý triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử. Luật Các TCTD năm 2024 đã hoàn thiện các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử như: Quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành quy định nội bộ đối với hoạt động nghiệp vụ của TCTD, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử
23; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng24; có quy định riêng cho hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử như quy định về xét duyệt cấp tín dụng, lưu trữ hồ sơ tín dụng25; quy định trách nhiệm niêm yết thông tin của TCTD trong trường hợp ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử26. Luật Các TCTD năm 2024 cũng giao Chính phủ quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng27.

Mười bốn là, Luật Các TCTD năm 2024 đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
28… Đồng thời, Luật Các TCTD năm 2024 cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội nhưng không luật hóa tại Luật Các TCTD, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn29.

3. Kết luận

So với Luật Các TCTD hiện hành, Luật Các TCTD năm 2024 được đánh giá là tương đối chặt chẽ, tạo được hành lang pháp lý cần thiết giúp các TCTD xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với thông lệ và thực tiễn hoạt động. Bên cạnh đó, với các nội dung quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật Các TCTD năm 2024 đã góp phần đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động của TCTD, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của TCTD thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở để TCTD đổi mới hoạt động đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

 
 
1 Như Ngọc, Anh Thư (2024), Điểm mới đáng chú ý của Luật Các TCTD 2024, https://vovgiaothong.vn/newsaudio/diem-moi-dang-chu-y-cua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-2024-d37737.html.
Điều 1 Luật Các TCTD năm 2024.
Khoản 4 Điều 2 Luật Các TCTD năm 2024.
 Điều 3 Luật Các TCTD năm 2024.
Khoản 10, khoản 12, khoản 13, khoản 28, khoản 31, khoản 36, khoản 39, khoản 42, khoản 43, khoản 44 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2024.
Điều 5 Luật Các TCTD năm 2024.
7 Điều 7 Luật Các TCTD năm 2024.
Điều 8 Luật Các TCTD năm 2024.
9 Điều 9 Luật Các TCTD năm 2024.
10 Khoản 3 Điều 11 Luật Các TCTD năm 2024.
11 Khoản 4 Điều 12 Luật Các TCTD năm 2024.
12 Điều 13 Luật Các TCTD năm 2024.
13 Điểm a khoản 24 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2024.
14 Điểm d khoản 24 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2024.
15 Điểm e khoản 24 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2024.
16 Khoản 2 Điều 27 Luật Các TCTD năm 2024.
17  Tuân Nguyễn (2024), Điểm mới của Luật Các TCTD sửa đổi: Mở rộng nhóm người liên quan thao túng hoạt động ngân hàng, Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang <https://stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/-iem-moi-cua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-oi-mo-rong-nhom-nguoi-lien-quan-thao-tung-hoat-ong-ngan-hang>.
18 Khoản 2 Điều 49 Luật Các TCTD năm 2024.
19 Khoản 11 Điều 210 Luật Các TCTD năm 2024.
20 Khoản 1 Điều 136 Luật Các TCTD năm 2024.
21 Điểm đ khoản 1 Điều 156 Luật Các TCTD năm 2024.
22 Điều 191 Luật Các TCTD năm 2024.
23 Khoản 1 Điều 101 Luật Các TCTD năm 2024.
24 Điều 105 Luật Các TCTD năm 2024.
25 Khoản 8 Điều 102 Luật Các TCTD năm 2024.
26 Khoản 5 Điều 10 Luật Các TCTD năm 2024.
27 Điều 106 Luật Các TCTD năm 2024.
28 Điều 196, Điều 197 Luật Các TCTD năm 2024.
29 Khoản 6, khoản 7 Điều 210 Luật Các TCTD năm 2024.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Các TCTD năm 2010.
2. Luật Các TCTD năm 2024.
3. Như Ngọc, Anh Thư (2024), Điểm mới đáng chú ý của Luật Các TCTD 2024, https://vovgiaothong.vn/newsaudio/diem-moi-dang-chu-y-cua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-2024-d37737.html.
4. Tuân Nguyễn (2024), Điểm mới của Luật Các TCTD sửa đổi: Mở rộng nhóm người liên quan thao túng hoạt động ngân hàng, Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, <https://stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/-iem-moi-cua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-oi-mo-rong-nhom-nguoi-lien-quan-thao-tung-hoat-ong-ngan-hang>.

ThS. Trần Linh Huân
Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng