Lập ngân sách không rõ mục tiêu
Ngân sách giúp bạn chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được và tìm ra số tiền bạn có thể tiết kiệm, đầu tư. Cho dù bạn đang làm việc để trả nợ, xây dựng một quỹ khẩn cấp, đầu tư cho hưu trí hoặc tiết kiệm để mua nhà, việc xác định rõ mục tiêu của mình sẽ cho phép bạn kết nối ngân sách hàng ngày với những gì bạn có thể hoàn thành một cách bền vững hơn.
Ví dụ, lập ngân sách vì bạn cảm thấy mình nên chi tiêu ít hơn rất khác với lập ngân sách vì bạn muốn mua nhà trong hai năm tới. Khi có mục tiêu mua nhà, bạn luôn luôn biết rằng, bám sát vào ngân sách là cách sẽ giúp bạn đạt được điều đó.
Hình minh họa |
Lập ngân sách quá khắt khe
Với nhiều người, việc lập ngân sách cho tiêu chẳng có gì thú vị tuy nhiên với một số, có thể sẽ cảm thấy hào hứng. Chính vì lẽ đó, nhiều người phấn khích đến nỗi lập hẳn một ngân sách thiếu thực tế và quá khắt khe.
Tôi cũng từng như vậy. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về tài chính cá nhân và hào hứng dùng tiền cho những điều mình muốn. Tôi muốn trả nợ học phí nhanh nhất có thể, vì thế, tôi lập một ngân sách chi tiêu không dành một đồng nào cho việc vui chơi giải trí hay tiêu vặt.
Tôi không ngờ nó lại phản tác dụng. Thậm chí khoản tiêu vặt nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng cả ngân sách của tôi và khiến nó trở nên vô dụng.
Một vấn đề khác của việc lập ngân sách quá khắt khe là bạn sẽ mệt mỏi vì phải kiềm chế bản thân. Đến khi không chịu được, bạn sẽ chi tiêu lu bù.
Kết quả là bạn tiêu xài nhiều hơn so với khi lập ngân sách một khoản nhỏ để tiêu vặt.
Hãy lập một ngân sách chi tiêu phù hợp với cuộc sống của bạn. Suy nghĩ thực tế khi xem xét ngân sách và phân phối các khoản chi tiêu. Đừng tự nhủ rằng bạn sẽ không bao giờ tiêu tiền theo hứng dù chỉ một lần, bởi làm thế khác nào tự đưa mình vào thế bí. Hãy cứ thoải mái một chút.
Lập ngân sách vượt quá khả năng xoay xở
Trái với một ngân sách quá khắt khe là "lạm phát mức sống". Lạm phát mức sống nảy sinh khi bạn tiêu xài quá mức chi trả của mình. Nó có thể diễn ra một cách thầm lặng như: khi thì bạn đăng ký dịch vụ HBO theo yêu cầu, khi thì tiêu tiền vào bữa tối tại một nhà hàng sang trọng. Trước khi kịp nhận ra điều đó, bạn đã vung tay quá trán và tiêu nhiều hơn thu nhập của mình rồi. Để "chữa cháy", nhiều người dùng tiền lương tháng sau để bù cho chi tiêu tháng trước.
Kế hoạch này có vẻ hợp lý, nhưng nó gây áp lực lên ngân sách và khiến bạn "làm đồng nào xào hết đồng nấy" hết lần này đến lần khác. Nhiều người mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đó bởi thu nhập của họ thật sự không đủ sống. Nhưng cũng có nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự do họ lập ngân sách cho một lối sống không phù hợp. Nếu bạn thấy điều này đang giống với mình thì bạn nên lập một kế hoạch mới. Hãy đánh giá tình hình tài chính của bạn, cắt giảm chi tiêu, xếp ưu tiên các mục tiêu tài chính rồi lập một kế hoạch chi tiêu khác.
Quên lập ngân sách cho các chi phí bất thường
Các chi phí bất thường là những thứ bạn không phải trả hàng tháng, bao gồm bảo hiểm ôtô, nằm viện, sửa chữa nhà cửa, du lịch... Hầu hết chúng ta đều nghĩ đến việc lập ngân sách hàng tháng, nên rất dễ quên đi những khoản chi không định kỳ kể trên. Nhưng để ngân sách của bạn hoạt động hiệu quả, điều quan trọng là phải lập kế hoạch cho cả chi phí hàng tháng và chi phí ngẫu nhiên.
Để lập kế hoạch cho các khoản chi bất thường, hãy dành vài phút để cộng tất cả các khoản mà bạn dự đoán chi trong năm tới. Tiếp theo, chia tổng số tiền đó cho 12 và chuyển số tiền trên vào một tài khoản tiết kiệm riêng, không phải tài khoản dùng để chi trả hàng tháng. Khi phát sinh một khoản chi không định kỳ này, hãy sử dụng tiền từ tài khoản tiết kiệm vừa mới lập ở trên.
Không có ngân sách cho quỹ khẩn cấp
Mọi ngân sách thành công đều cần một quỹ khẩn cấp. Bất kể bạn có tổ chức như thế nào, những chi phí không mong muốn có thể xảy ra, chẳng hạn như sửa chữa xe hơi, chi phí y tế, cấp cứu thú y, v.v.
Có một quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn không thêm nợ hoặc làm tiêu ngân sách của mình. Bạn nên dành ra một khoản tiền cho mỗi lần nhận lương và đặt khoản này vào khoản tiết kiệm khẩn cấp của bạn. Hãy coi quỹ khẩn cấp của bạn như một khoản chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn có thói quen bỏ tiền vào đó hàng tháng.
Khi bạn đã dành ra 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt xứng đáng, thì bạn có thể xem xét lại số tiền bạn cần phải đóng góp. Có một quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn xử lý các tình huống tài chính căng thẳng dễ dàng hơn.
Minh Đức