Cụ thể, giá bán lẻ xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 1.310 đồng/lít xuống 22.320 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 1.250 đồng/lít, xuống 21.430 đồng/lít. Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh trên 1.000 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.254 đồng/lít (giảm 1.143 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành).
Giá xăng, dầu trong nước chiều nay giảm hơn 1.000 đồng/lít (Nguồn ảnh: Internet) |
Dầu hỏa không cao hơn 18.528 đồng/lít (giảm 952 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.509 đồng/kg (giảm 334 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành). Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã 12 có đợt điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Ở kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON 92 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước 0 đồng/kg).
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công Thương và Tài chính xem xét các kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp cho rằng, Thông tư 104 quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, thông tư lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này.
Các doanh nghiệp đề xuất liên Bộ Tài chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.
Theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Những lo ngại về suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp tục gia tăng; việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm; hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 4,... các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Mặt khác, theo Tổng cục Thống kê, dù tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng do được loại trừ khỏi danh mục tính lạm phát cơ bản nên bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Trong khi đó, bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Linh Linh (T/H)