Nvidia: Từ startup "mini" từng "chết hụt" 3 lần, ba thập kỷ sau vươn thành "gã khổng lồ" ngành chip với vốn hóa chạm mốc nghìn tỷ USD

04/06/2023 - 20:49
(Bankviet.com) Tròn 30 năm tuổi, Nvidia “cán mốc” vốn hoá 1.000 tỷ USD, là nhà sản xuất chip đầu tiên trên thế giới gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ USD” tại Phố Wall. Trước khi trở thành một “đế chế” như hiện tại, “gã khổng lồ” này không ít lần đứng bên bờ vực phá sản.
Nvidia: Từ startup
Tròn 30 năm tuổi, Nvidia “cán mốc” vốn hoá 1.000 tỷ USD

Trước sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử hoạt động – gia nhập “câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ USD”, Nvidia đã tự hào chia sẻ trên trang chủ: “Ba thập kỷ qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ đã thường xuyên sử dụng những sản phẩm công nghệ của Nvidia để làm nên những điều tuyệt vời.

Hơn 3,8 triệu nhà phát triển đã và đang tạo ra hàng nghìn ứng dụng giúp gia tăng tốc điện toán và hơn 35.000 doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ AI của Nvidia, trong đó có đến 13.000 startup trên toàn cầu thuộc hệ sinh thái Nvidia Inception.

Năm 2023, lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của Nvidia càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết khi phiên cuối tháng 5 ghi nhận giá cổ phiếu đạt mức kỷ lục 419,38 USD/cp, đưa giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ này “cán mốc” hơn 1.000 tỷ USD.

Nhờ đó, Nvidia trở thành nhà sản xuất công nghệ chip đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hóa thị trường nghìn tỷ USD, chính thức gia nhập “giới tinh hoa” tại Phố Wall”, đại diện tập đoàn cho biết.

Ít ai biết rằng, những thành tựu vang dội có được của Nvidia ngày nay, đi kèm với sự phát triển nhanh như “vũ bão” về quy mô hoạt động, lại được khởi động từ một quán ăn nhỏ ở vùng ngoại ô phía Bắc California, Mỹ.

30 năm trước, tại một cửa hàng thuộc chuỗi Denny’s ở Thung lũng Silicon, ba nhà sáng lập là Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem đã dành đến 4 giờ đồng hồ liên tục và uống cả 10 tách cà phê, để cùng bàn bạc về kế hoạch thành lập một doanh nghiệp sản xuất công nghệ chip.

Trong đó, ông Malachowsky sẽ chịu trách nhiệm thiết kế phần cứng, ông Priem đảm nhiệm phần kiến trúc phần mềm, còn ông Huang phụ trách việc xây dựng các chiến lược kinh doanh, phân tích và nghiên cứu thị trường, về các đối thủ sẽ phải đối mặt, cũng như nhận định những tiềm năng phát triển của ngành.

Nvidia: Từ startup
3 nhà sáng lập Nvidia: Curtis Priem, Jensen Huang và Chris Malachowsky (từ trái sang phải)

Sau buổi họp mang tính lịch sử đó, ngày 5/4/1993, Nvidia chính thức được thành lập với sứ mệnh phát triển ngành công nghệ điện toán và những con chip chuyên dụng tân tiến hỗ trợ cho lĩnh vực đồ hoạ 3D trong phát triển game nhanh hơn, giàu chân thực hơn.

3 người kỹ sư công nghệ trẻ tuổi đã bước vào hành trình tạo lập một đế chế nghìn tỷ USD bằng sự gan góc, và đầy quyết tâm mà đến chính họ cũng không thể ngờ tới. Một hành trình “đánh cược”, liên tục thử sức với những thị trường chưa được khai phá, hoàn toàn mới lạ từ các trò chơi điện tử, đến phát triển trí tuệ nhân tạo – AI.

Nvidia đến nay đã được khẳng định. Sự kiện vừa qua trên thị trường chứng khoán Mỹ là minh chứng rõ rệt cho điều đó. Theo mô tả của báo giới, dư luận thế giới, và đặc biệt là những nhà đầu tư Phố Wall thậm chí còn đang dồn sự quan tâm lớn vào “gã khổng lồ” công nghệ chip này hơn cả chủ đề “trần nợ công của nước Mỹ”.

Trực giác và tầm nhìn của những vị tỷ phú

“Năm 1993, thị trường công nghệ chip xử lý đồ họa và thị trường game còn rất mới mẻ, nhưng chúng tôi đã cảm nhận thấy một ‘làn sóng’ đang ập đến” – ông Malachowsky, một trong ba nhà sáng lập Nvidia chia sẻ trên Forbes về kỷ niệm bước chân vào thương trường.

Một năm sau, Nvidia đạt được sự hợp tác chiến lược đầu tiên với nhà sản xuất chất bán dẫn SGS - Thompson để phát triển một bộ xử lý đồ họa công nghệ 3D mang tên Riva 128 ZX. Đây là tiền đề để cho Nvidia cho ra đời sản phẩm đầu tiên là NV1 vào năm 1995. Khi đó, thẻ PC này được bán dưới dạng Diamond Edge 3D, có lõi đồ họa 2D/3D, cho phép các game thủ đặt vào bo mạch chủ của máy tính để chạy đồ hoạ 3D nhanh hơn, mượt mà hơn.

Tuy không thành công vang dội nhưng con chip NV1 đã đưa Nvidia lọt vào “mắt xanh” của nhà sản xuất trò chơi điện tử Nhật Bản Sega.

Nvidia: Từ startup
Những cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển 30 năm của Nvidia.

Không ngại thất bại

Những tưởng sự hợp tác với Sega sẽ mang tới thành công tiếp theo cho Nvidia, nhưng bất ngờ nó lại buộc hãng chip này phải nhận lấy thất bại đầu tiên khá cay đắng.

Sau một năm ký hợp đồng cung cấp chip 3D cho Sega để phát triển dòng máy tính chơi game, Nvidia nhận ra đã gặp sai lầm khi thiết kế của con chip này và “cách duy nhất để tiến lên phía trước là rút lui khỏi nó”. Vì vậy, CEO Huang đã thẳng thắn thừa nhận thiếu sót, gợi ý Sega tìm một đối tác khác và mặc dù rất xấu hổ nhưng vẫn đề xuất được thanh toán vì nếu không Nvidia sẽ phải dừng kinh doanh. Chính ông Huang cũng không ngờ rằng Sega đã đồng ý thanh toán. Số tiền này đã giúp họ hoạt động thêm sáu tháng.

Cũng nhờ đó, Nvidia có một khoảng thời gian để “xả hơi”, trước khi tạo nên chip 3D Riva 128 mà theo ông Huang, đã “gây sốc cho thị trường 3D, đưa Nvidia lên bản đồ và cứu cả doanh nghiệp”. Chiếc card đồ hoạ này là bộ xử lý 3D 128-bit đầu tiên trên thế giới, hỗ trợ tăng tốc xử lý cả đồ hoạ 2D lẫn 3D, đánh dấu sự hiện diện rõ ràng hơn của Nvidia trên thị trường.

Chỉ trong 4 tháng đầu tiên, Nvidia đã bán được 1 triệu card với giá lên đến 1.200 USD/sản phẩm vào thời điểm đó, mang về doanh thu “khủng” và cho đến hai thập kỷ sau, đây vẫn là dòng sản phẩm chiếm hơn phân nửa doanh thu của hãng chip.

Nhờ không ngại thất bại, dám đối diện với sai lầm và bỏ qua “cái tôi” để nhận sự trợ giúp, Nvidia đã thoát khỏi bờ vực phá sản và có một cuộc “hồi sinh” ngoạn mục. Tháng 1/1999, Nvidia chính thức IPO với giá 12 USD/cổ phiếu, xác lập một vị thế mới và sau đó một năm, đủ mạnh để thâu tóm đối thủ cũ 3DFX. Cũng trong năm đó, Nvidia gây tiếng vang khi sản xuất chip cho máy chơi game Xbox của Microsoft.

Tới năm 2003, khả năng đồ họa của Nvidia đã vượt ra ngoài giới hạn của trò chơi điện tử, khi tập đoàn này không chỉ hợp tác với Blizzard để ra mắt “World of Warcraft” mà còn hợp tác với NASA để tạo ra một mô phỏng thực tế của sao Hỏa.

Trên thực tế, trong ba thập kỷ phát triển, Nvidia còn thêm hai lần nữa “suýt chết” nhưng rồi lại “hồi sinh”.

Nvidia: Từ startup
Nguồn: Visualcapitalist.com

Năm 2007, Nvidia rơi vào tình cảnh lao đao sau quyết định tích hợp nhân xử lý CUDA vào GPU, để nhân xử lý CUDA có thể phân tích dữ liệu bên ngoài tính năng xử lý đồ họa 3D. Đây là nền tảng phần mềm mới cho điện toán tăng tốc, vì đi trước thời đại nên rất tốn kém và chưa thể cho thấy ngay thành quả. Chi phí cao của CUDA khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá trị của Nvidia giảm xuống dưới 5 tỷ USD. Bất chấp khởi đầu nhọc nhằn và phải hứng chịu nhiều chỉ trích, CUDA của Nvidia sau đó đã được tích hợp vào GPU và được sử dụng rộng rãi cho các thuật toán máy học (machine learning) ngày nay. Về lần “chết hụt” này, CEO Huang cho rằng, phải biết “chịu đựng nỗi đau” vì đó là điều cần thiết để theo đuổi tầm nhìn dài hạn và thực hiện giấc mơ.

Ba năm sau, Nvidia lại “xém chết” vì quyết định đầu tư cho chip điện thoại di động. Lúc này, thị trường đang tăng trưởng một cách đầy hứa hẹn và bản thân Nvidia đã thiết lập được vị thế nhất định nên hoàn toàn có thể chọn quyết đấu đến cùng để giành thêm thị phần.

Tuy nhiên, khi thị trường cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, Nvidia chịu tổn thương lớn về doanh thu và nhanh chóng rút lui. Dù vậy, cũng giống như lần “chết hụt” đầu tiên, quyết định rút lui đã mở ra cánh cửa mới cho hãng chip này.

Dám “đánh cược”

Theo lời của CEO Huang, rời khỏi thị trường điện thoại, Nvidia đã “cởi mở tâm trí để sáng tạo những sản phẩm mới” và hình dung tới việc tạo ra một loại máy tính mới với “bộ xử lý mạng thần kinh, kiến trúc an toàn chạy thuật toán AI”. Thời điểm đó, Nvidia đã dấn thân vào thị trường chip sử dụng cho robot và xe tự lái, những “thị trường không tỷ đô la”, theo cách gọi của ông Huang, và sau cùng,“chiến lược rút lui đã được đền đáp”.

Kể từ năm 2012, Nvidia bắt đầu cuộc “cách mạng AI”, với việc nghiên cứu một nhánh khác của trí tuệ nhân tại là Deep Learning (học sâu). Ba năm sau đó, hãng chip này cho ra mắt của “siêu vi xử lý di động” Tegra X1 ứng dụng trong công nghệ xe tự lái.

Năm 2016, Nvidia được cho là đã phát triển toàn diện AI với máy chủ DGX-1 dành cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tiếp tục đổ tiền vào AI để tạo ra bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất thế giới.

Hai năm sau, Nvidia ra mắt nền tảng RTX, định nghĩa lại đồ hoạ máy tính, mang công nghệ dò tia theo thời gian thực vào các trò chơi và không gian đồ họa kỹ thuật số, làm cho ánh sáng trong các ứng dụng đồ họa trông chân thực như cuộc sống thực, cải thiện đáng kể khả năng đắm chìm trong game. Đồng thời, nhà sản xuất chip của Mỹ cũng giới thiệu Rapids, một nền tảng tăng tốc GPU mã nguồn mở để tăng tốc khoa học dữ liệu và máy học.

Hiện tại, Nvidia tiếp tục tăng sức mạnh cho đồ họa trong các PC chơi game và máy chơi game trên khắp thế giới. Hơn nữa, tập đoàn cũng ra mắt CPU rời đầu tiên cho các trung tâm dữ liệu vào tháng 3/2022 và thông báo rằng họ đang phát triển phiên bản metaverse riêng gọi là Omniverse để hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu.

“Canh bạc” lớn nhất của Nvidia cũng diễn ra vào đầu năm 2022, khi “ông trùm” ngành chip ra mắt H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất từng chế tạo và cũng là một trong những chip đắt nhất hiện nay với giá 40.000 USD mỗi chiếc. Khi đó, giới chuyên gia nhận định Nvidia đã chọn sai thời gian công bố, bởi lẽ mọi doanh nghiệp lúc này đang tìm cách thắt chặt chi tiêu.

Nhưng tới tháng 11, việc OpenAI tung ra ChatGPT đã đảo ngược tình thế và giúp “canh bạc” của Nvidia thắng lớn. Sự phổ biến bất ngờ của ChatGPT tạo ra một cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, khiến họ đổ xô giành lấy H100. Các bộ xử lý đồ họa GPU của Nvidia là thành phần quan trọng trong hạ tầng của nhiều nền tảng AI tạo sinh, như ChatGPT hay Google Bard, chiếm tới 80% thị phần.

Nvidia: Từ startup
Cơn sốt AI đưa Nvidia trở thành tập đoàn chip giá trị nhất thế giới

Nvidia được đánh giá là đã chiến thắng sớm trong làn sóng AI tạo sinh - công nghệ được dự đoán có khả năng định hình lại các ngành công nghiệp, tạo ra năng suất khổng lồ và thay thế hàng triệu việc làm. Chia sẻ cuộc đua AI, CEO Huang nói: “Chạy đi, đừng tản bộ. Cho dù là chạy để kiếm thức ăn, hay chạy để tránh phải làm “thức ăn” cho người khác”.

Nhìn lại ba thập kỷ hình thành và phát triển, trước khi chạm vào chiến thắng, Nvidia cũng đã không ít lần “vấp ngã”. Chia sẻ về việc làm thế nào để vực dậy doanh nghiệp sau những lần đó, CEO Jensen Huang nói: “Tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi còn 30 ngày nữa mới ngừng kinh doanh. Điều đó không bao giờ thay đổi. Đó không phải là nỗi sợ thất bại. Đó thực chất là nỗi sợ mình sẽ ngủ quên trên chiến thắng…”.

Trong “câu lạc bộ nghìn tỷ USD”, hiện Nvidia chỉ xếp sau bốn “đại gia” của Mỹ là Apple (2.780 tỷ USD), Microsoft (2.470 tỷ USD), Alphabet (1.580 tỷ USD), Amazon (1.250 tỷ USD) và “gã khổng lồ” dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia (2.060 tỷ USD). Bên cạnh đó, Nvidia cũng lọt vào top 3 doanh nghiệp có tốc độ vốn hoá nghìn tỷ nhanh nhất kể từ khi niêm yết, chỉ sau Apple và Microsoft.

Hiện tại, mục tiêu giá cao nhất định giá tập đoàn vào khoảng 1,6 nghìn tỷ đô la, ngang bằng với công ty mẹ của Google là Alphabet.

Doanh số tiền ảo của Nvidia giảm hơn một nửa so với quý trước

TBCKVN - Vi xử lý của Nvidia đã chứng tỏ được giá trị của mình trong việc đào tiền ảo như bitcoin và ethereum, nhưng ...

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau số liệu từ Nvidia

Chứng khoán Mỹ chật vật để giữ vững vị thế vào phiên 8/8, sau khi S&P 500 tăng 3 tuần liên tiếp, do lo ngại ...

Bắt trend AI cùng cổ phiếu Mỹ

Lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) đang là một 'miền đất hứa' chưa được khai phá. Chính vì vậy, việc hiểu rõ hơn về ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán