Trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TPBank vừa công bố, hiện có 22 người, bao gồm 13 tổ chức và 9 cá nhân. Trong số này, Công ty Cổ phần FPT (HOSE: FPT) là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu TPB nhất, với 149 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 6,7% vốn điều lệ của ngân hàng. Đứng thứ hai là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, sở hữu 5,9% vốn điều lệ TPBank.
Ngoài FPT và DOJI, còn có 11 tổ chức khác sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TPBank. Đặc biệt, nhóm cổ đông SBI Ven Holdings PTE. LTD và các cá nhân liên quan đang nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ TPBank. Quỹ PYN Elite Fund (NON-UCITS) sở hữu 3,59%, Tổ chức International Finance Corporation (IFC) nắm 1,17%, và Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited sở hữu 1,12%.
Như vậy, tổng số lượng cổ phần của nhóm cổ đông nước ngoài tại TPBank đạt 25,88% vốn điều lệ. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT không nằm trong danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi đó, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu 81 triệu cổ phiếu, tương đương 3,71% vốn điều lệ, và ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT hiện sở hữu hơn 79 triệu cổ phiếu, tương đương 3,61% vốn điều lệ.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu TPB đã tăng khoảng 4,5%. Ngân hàng mới đây thông báo kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Nếu kế hoạch này được thực hiện, vốn điều lệ của TPBank sẽ được nâng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.419 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên TPBank 2024 và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Trước đó, vào tháng 7/2024, TPBank cũng đã hoàn thành việc chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng với 500 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2024, TPBank ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của TPBank đạt 3.733 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mảng kinh doanh đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ giúp tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao 17,5%.
Nhờ các tín hiệu phục hồi từ nền kinh tế chung, tín dụng của ngân hàng quý II dần lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, dư nợ thị trường 1 và trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 226.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng tín dụng xanh tăng trưởng ổn định chiếm tỷ lệ gần 3% trên tổng dư nợ cấp tín dụng. Được biết, tín dụng xanh "chảy" vào hàng loạt những dự án thuộc lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý nước và các dự án cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Tính tại cuối quý II, tổng tài sản của VPBank đạt 361.555 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong đó, huy động vốn của nhà băng này tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 317.700 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng gần 4% lên 213.432 tỷ đồng, chủ yếu tập trung trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Số dư nợ xấu ở mức 4.399 tỷ đồng, nhích nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Vinahud: Nợ vay gấp 35 lần vốn chủ, chủ nợ nghìn tỷ TPBank có đáng lo? Vinahud vừa công bố quý thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Nợ vay ở mức cao không tưởng đã khiến Công ty này ... |
Kinh doanh thua lỗ, Vinahud muốn bán công ty con để trả nợ cho TPBank Vinahud dự kiến sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, đối tác nhận chuyển nhượng lần này là ... |
Vốn điều lệ TPBank sắp vượt mốc 26.400 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank - HOSE: TPB) tăng vốn điều lệ ... |
Ánh Kim