“Ông lớn” hàng không Vietnam Airlines - quán quân thua lỗ trên sàn chứng khoán

09/12/2023 - 20:38
(Bankviet.com) Sau nhiều lần bị nhắc nhở, hãng hàng không Vietnam Airlines vừa chính thức công bố báo cáo kiểm toán năm 2022.

Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán. Theo đó, Vietnam Airlines có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn chưa thể thoát lỗ khi tính đến ngày 31/12/2022 hãng có con số lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp 11.223 tỷ đồng (giảm lỗ hơn 2.056 tỷ đồng so với năm 2021). Các khoản lỗ từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 khiến hãng lỗ lũy kế 35.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022).

“Ông lớn” hàng không Vietnam Airlines - quán quân thua lỗ trên sàn chứng khoán
Vietnam Airlines vẫn chưa thể thoát lỗ khi tính đến ngày 31/12/2022 hãng có con số lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp 11.223 tỷ đồng

Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Vietnam Airlines cho biết trong bối cảnh thị trường quốc tế phục hồi chậm, các đường bay trong nước có lượng khách tiếp tục hồi phục là yếu tố giúp hãng vượt kế hoạch vận tải hành khách cũng như doanh thu trong năm 2022. Cụ thể, năm 2022 hãng chở khoảng 18,57 triệu hành khách nội địa (bằng 96,77% sản lượng năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19).

“Ông lớn” hàng không Vietnam Airlines - quán quân thua lỗ trên sàn chứng khoán
Vietnam Airlines giải trình về kết quả kinh doanh trên

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến hãng chưa thể thoát lỗ là thị trường quốc tế hồi phục chậm, đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa dè dặt hơn dự kiến. Năm 2020 Vietnam Airlines chỉ vận chuyển 2,53 triệu lượt khách quốc tế (bằng 28,20% năm 2019).

Các nguyên nhân còn lại là tình trạng thừa tải và giá vé bình quân tại thị trường nội địa thấp; giá nhiên liệu tăng cao, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh, các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa; lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng diễn biến bất lợi.

Cụ thể, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch và khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng khoảng 2.482 tỷ đồng. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỷ đồng.

Chênh lệch chi - thu tỷ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.251 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 801 tỷ đồng.

Vì những yếu tố trên, kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines vẫn chưa thể cải thiện tương ứng với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hành khách.

Riêng về 9 tháng năm 2023, Vietnam Airlines cũng đã lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.798 tỷ đồng của ba quý đầu năm 2022. Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 3.535 tỷ đồng trong 9 tháng vừa qua, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ

Nếu quý IV-2023, hãng hàng không tiếp tục báo lỗ thì Vietnam Airlines chính thức lỗ ròng ba năm liên tiếp. Theo quy định, cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị hủy niêm yết. Hiện cổ phiếu Vietnam Airlines đang trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch.

Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính và phát triển sau đại dịch và cần thời gian nhiều năm để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tại đề án tái cơ cấu và đề án tổng thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã xây dựng đồng bộ các giải pháp, bao gồm: tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh.

Theo đó, các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.

Ở một diễn biến khác, Vietnam Airlines tiếp tục thông báo sẽ lùi thời gian Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 từ ngày 22/11 sang 16/12. Ngày đăng ký cuối cùng tham dự vẫn giữ nguyên 12/10. Lý do hãng đưa ra là "công tác chuẩn bị chưa hoàn thành".

Đây là lần thứ 4 doanh nghiệp này lùi ngày họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Trước đó, công ty dự kiến tổ chức họp vào ngày 20/6, sau đó lùi tới trước 30/8, tiếp tục dự kiến họp vào 15/11, sau đó là 22/11. Theo Luật Doanh nghiệp, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên phải diễn ra trong 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Tuy nhiên, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, hội đồng quản trị có thể quyết định gia hạn phiên họp này trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ lúc hết năm tài chính.

Vietnam Airlines có thể lỗ thêm 3.300 tỷ đồng trong nửa cuối 2023, lũy kế lỗ sát ngưỡng 40.000 tỷ đồng

Đó là ước tính được đưa ra bởi CMSC, trong giai đoạn đầy khó khăn của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (HVN).

Doanh nghiệp tuần qua: VinFast rậm rịch xuất khẩu 3.000 ô tô điện sang châu Âu

Sau những tín hiệu khởi sắc về doanh thu, đặc biệt là từ việc bán ô tô điện, VinFast đặt mục tiêu xuất khẩu 3.000 ...

Vietnam Airlines sắp nhận hơn 43 tỷ đồng cổ tức từ Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT)

HĐQT Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) vừa công bố kế hoạch trả cổ tức tạm ứng đợt 1/2023 với ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán