Mới đây, Công ty CP Tập đoàn PC1 (HOSE: PC1) đã công bố nghị quyết chuyển nhượng dự án Thủy điện Thượng Hà cho công ty con là Công ty CP Thủy điện Sông Gâm. Thời gian hoàn thành là trong quý I/2024.
Giá trị chuyển nhượng được uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định. HĐQT Tập đoàn PC1 giao Tổng Giám đốc ký kết và thực hiện hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng theo đúng quy định nội bộ và pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và HĐQT về việc ký kết và thực hiện hợp đồng.
Nghị quyết chuyển nhượng dự án Thuỷ điện Thượng Hà của PC1 |
Theo tìm hiểu, dự án Thuỷ điện Thượng Hà nằm tại Sông Gâm, tỉnh Cao Bằng, có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, công suất 10 MW, sản lượng thiết kế 40 triệu kWh. Thời gian triển khai dự án từ năm 2024 đến năm 2026.
Trong khi đó, công ty nhận chuyển nhượng là Thủy điện Sông Gâm, có trụ sở tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong số sáu công ty con thuộc mảng năng lượng của Tập đoàn PC1, được thành lập năm 2020 với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Trong đó, PC1 góp 29,7 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 99%.
Đến ngày 24/11/2023, Thuỷ điện Sông Gâm nâng vốn điều lệ lên mức 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước đó, vào ngày 8/11/2023, HĐQT PC1 thông qua nghị quyết chuyển nhượng 1,794 triệu cổ phần, tương ứng 39% vốn điều lệ của Thủy điện Sông Gâm, hạ sở hữu tại công ty này xuống còn 60% (tính đến ngày 31/12/2023).
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn PC1, tổng tài sản năm 2022 của Thuỷ điện Sông Gâm ghi nhận ở mức 48 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2021.
Trong một diễn biến khác, như Kinhtechungkhoan.vn đã đưa tin, Tập đoàn PC1 mới đây đã giành được tổng cộng 13 gói thầu xây lắp điện với tổng giá trị trúng thầu là 841,1 tỷ đồng. Trong đó, 10 gói thầu xây lắp thuộc các dự án đường dây 500kV mạch 3 (kéo dài) cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định 1 - Phố Nối có tổng giá trị là 659,7 tỷ đồng, còn 3 gói thầu tại dự án Trạm biến áp 220kV Gò Công và đường dây đấu nối Gò Công - Cần Đước tại tỉnh Tiền Giang có tổng giá trị trúng thầu là 181,4 tỷ đồng. Được biết, các chủ đầu tư đã bắt đầu ký hợp đồng với Tập đoàn PC1 để chuẩn bị triển khai thực hiện các gói thầu nói trên.
Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức tài chính. Trước đó, Tập đoàn PC1 được đánh giá là có khả năng cao trong việc giành được các gói thầu xây lắp thuộc các dự án đường dây 500 kV mạch 3 (kéo dài). Với hơn 60 năm kinh nghiệm, Tập đoàn PC1 hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện với năng lực đã được chứng minh qua nhiều dự án truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là các dự án tổng thầu EPC, PC tới cấp điện áp 500 KV và các dự án có tính đặc thù cao (trạm Gis, dự án cấp điện ra đảo, dự án cáp ngầm...). Chưa kể, trong sản xuất công nghiệp lĩnh vực điện, Tập đoàn PC1 là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV - 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu cả nước, có tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm.
Do đó, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn PC1 được cũng được các tổ chức tài chính nhận định rằng sẽ hưởng lợi lớn khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải.
Tập đoàn PC1 hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện |
Về tình hình kinh doanh, năm vừa qua, PC1 ghi nhận doanh thu đạt 7.803 tỷ đồng, giảm gần 7% so với năm 2022. Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng thấp hơn, giúp biên lãi gộp của PC1 cải thiện lên mức 20%, tương ứng đạt 1.574 tỷ đồng.
Thuyết minh của PC1 cho thấy, cơ cấu doanh thu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hoạt động sản xuất công nghiệp, với doanh thu đạt đạt 1.165 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm. Trong khi đó, doanh thu bán điện và hoạt động xây lắp - thiết bị ngành điện giảm mạnh so với cùng kỳ. Ngoại trừ bán điện, bán quặng và hoạt động khai thác vận hành khu công nghiệp, biên lợi nhuận các mảng còn lại chủ yếu duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá vốn ở mức cao.
Đáng chú ý, nhờ thu lãi tiền gửi, năm qua, doanh thu tài chính tăng gấp đôi, lên mức 195 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh với 1.372 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế bị bào mòn, đạt 297 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2022.
Với kết quả này, PC1 không thể hoàn thành mục tiêu mang về 9.450 tỷ đồng doanh thu và 511 tỷ đồng lãi sau thuế đã đề ra trước đó. Lợi nhuận năm 2023 thậm chí còn giảm về mức thấp nhất 6 năm.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của PC1 giảm còn 20.200 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm về dưới 13.000 tỷ đồng - gấp 1,58 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, dư nợ vay tài chính chiếm gần 83%, mức 10.750 tỷ đồng. Vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay năm 2023 tăng 39,5% lên mức 844 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PC1 đã xác lập chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong phiên giao dịch hôm nay ngày 4/3, mã này đang giao dịch ở mức 28.500 đồng/cp.
PC1: 'Teo tóp' nhiều mảng kinh doanh, cổ phiếu vẫn tăng 50% sau 3 tháng Vay nợ lớn hơn 10.000 tỷ đồng khiến chi phí lãi vay năm 2023 của Tập đoàn PC1 tăng 39,5% lên mức 844 tỷ. |
PC1 bắt đầu ghi nhận doanh thu 'khủng' từ mỏ niken CTCP Tập đoàn PC1 (PC1) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024, đáng chú ý, mảng khai thác khoáng sản mới phát sinh ... |
Tập đoàn PC1 công bố trúng 10 gói thầu xây lắp thuộc các dự án đường dây 500kV mạch 3 Tập đoàn PC1 vừa được công bố trúng loạt 13 gói thầu xây lắp công trình điện, bao gồm 10 gói thầu thuộc các dự ... |
Thái Hà