PGBank liên tiếp muốn tăng vốn sau hơn 1 thập kỷ “im hơi”

29/05/2024 - 18:47
(Bankviet.com) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) vừa thông qua nghị quyết triển khai thực hiện tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, PGBank sẽ chào bán 80 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng, từ mức 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Thời điểm thực hiện cụ thể được Hội đồng quản trị PGBank quyết định dựa trên thời điểm phù hợp với chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến vào quý 3/2025.

PGBank liên tiếp muốn tăng vốn sau hơn 1 thập kỷ “im hơi”
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB).

Trong số 800 tỷ đồng dự kiến thu về, PGBank dự kiến dùng 505 tỷ đồng sử dụng vào việc cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, 230 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin, dự án chuyển đổi ngân hàng và 65 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ sở vật chất…

PGBank cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của PGBank trong quá trình hội nhập, cũng như để đáp ứng nhu cầu của cơ quan Nhà nước.

Công ty CP Chứng khoán DSC là đơn vị được Hội đồng quản trị PGBank đồng ý và tiếp tục lựa chọn là đơn vị tư vấn cho việc thực hiện phương án tăng vốn điều lệ theo các nội dung, điều khoản tại hợp đồng dịch vụ tư vấn đã ký trước đó vào ngày 10/10/2023.

Trước đó, vào ngày 5/3, PGBank đã hoàn tất phân phối 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ thực hiện quyền 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới).

Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán là 1.200 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của PG Bank sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.

Những năm qua, hoạt động kinh doanh của PGBank khó bứt phá, do Ngân hàng phải trải qua quá trình tái cấu trúc tương đối dài. Kể từ năm 2012, Ngân hàng không tăng vốn điều lệ, vẫn giữ nguyên mức 3.000 tỷ đồng và mạng lưới 79 chi nhánh.

PGBank đang có những thay đổi lớn sau khi cổ đông sáng lập của ngân hàng này là Petrolimex thoái hoàn toàn vốn, thay vào đó là sự tham gia của nhà đầu tư mới là Tập đoàn Thành Công. Ngân hàng này đã đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex sang Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, đồng thời cũng đã thay đổi nhận diện thương hiệu.

Về tình hình kinh doanh, trong quý đầu năm 2024, PGBank báo lãi trước thuế đạt hơn 116 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 92,8 tỷ đồng, cùng giảm 24,2% so với cùng kỳ quý 1/2023.

Trong năm 2024, PGBank lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 554 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, ngân hàng này mới chỉ thực hiện được gần 21% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản PGBank ghi nhận ở mức 58.763 tỷ đồng, tăng 5,9% so với thời điểm hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,4% xuống 35.185 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,2% lên 37.244 tỷ đồng. Nợ xấu cuối quý 1/2024 là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 2,93% vào cuối quý 1.

PGBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 7/2024

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - UPCOM: PGB) vừa công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện ...

Ba nhà băng thông báo chuẩn bị họp ĐHĐCĐ bất thường

3 ngân hàng PGBank, MBVIB dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường trong tháng 6, tháng 7 tới ...

Thu Thảo

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán