Công ty CP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) mới đây đã thông qua quyết định chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, đồng thời công bố kế hoạch kinh doanh sơ bộ cho năm nay. Theo đó, ngày 24/3 được xác định là ngày giao dịch không hưởng quyền để cổ đông có thể tham gia đại hội, dự kiến tổ chức trong tháng 4/2025. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được công bố trong thông báo chính thức sau đó.
![]() |
Theo dự báo của Chứng khoán Mirae Asset, giá phân bón trong nước có thể phục hồi trong thời gian tới do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu |
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2025, Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 7.438 tỷ đồng, giảm khoảng 21% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 281 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với con số thực hiện của năm trước.
Trên thực tế, năm 2024 là năm kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp khi ghi nhận tổng doanh thu 9.489 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 531 tỷ đồng, lần lượt tăng 109% và 270% so với năm 2023. Trước đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2024 ở mức hơn 7.137 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 210 tỷ đồng. Như vậy, kết quả thực tế đã vượt 33% về doanh thu và 159% về lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch ban đầu.
Về sản lượng trong năm 2025, Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất 605.000 tấn sản phẩm, trong đó 310.000 tấn từ công ty mẹ. Chỉ tiêu tiêu thụ cũng tương tự với 605.000 tấn, trong đó công ty mẹ đóng góp 310.000 tấn. Cả hai con số này đều thấp hơn khoảng 17% so với kết quả thực hiện trong năm trước. Trước đó, công ty cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh cho quý I/2025 với mục tiêu sản xuất 110.300 tấn và tiêu thụ 100.300 tấn, tương đương khoảng 1/6 kế hoạch cả năm. Doanh thu mục tiêu trong quý đầu tiên đạt 1.330 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 45,5 tỷ đồng, giảm 32%.
Phân bón Bình Điền là doanh nghiệp nhà nước và hiện là một trong những nhà sản xuất phân bón NPK hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt chiếm thị phần lớn tại khu vực miền Nam. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón mỗi năm, trong đó các loại phổ biến gồm urê, DAP, NPK và kali. Urê chiếm tỷ trọng lớn nhất với công suất sản xuất nội địa đạt khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Phần lớn nguyên liệu sản xuất phân bón trong nước được khai thác từ các mỏ khí như Bạch Hổ và Nam Côn Sơn, riêng kali vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Theo dự báo của Chứng khoán Mirae Asset, giá phân bón trong nước có thể phục hồi trong thời gian tới do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá khí tự nhiên tăng mạnh, làm chi phí sản xuất phân bón leo thang. Việc này đã khiến nhiều nhà máy sản xuất tại châu Âu phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng tác động tiêu cực đến thị trường, khi Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới. Các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón mà còn gây biến động trên thị trường năng lượng.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón vô cơ có dấu hiệu giảm do giá cao và sự dịch chuyển dần sang mô hình nông nghiệp bền vững, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ. Một số quốc gia cũng đã siết chặt xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, khiến giá thế giới giữ ở mức thấp trong năm qua. Một yếu tố tích cực đối với thị trường phân bón nội địa đến từ Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó cho phép áp dụng thuế VAT đầu vào đối với phân bón thay vì miễn thuế như trước đây. Theo Chứng khoán BSC, chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là những nhà sản xuất phân đơn như urê, lân và DAP. Chi phí sản xuất các loại phân bón nội địa như urê và DAP dự kiến giảm từ 0,87% đến 2%, góp phần ổn định giá cả và mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân.
Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi từ chính sách thuế mới sẽ có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Các công ty sản xuất phân NPK ít bị ảnh hưởng hơn do nguyên liệu đầu vào đã chịu thuế, trong khi các đơn vị nhập khẩu cũng không chịu tác động đáng kể vì mức thuế VAT 5% áp dụng đồng đều cho cả đầu vào và đầu ra. Điều này giúp các nhà nhập khẩu duy trì biên lợi nhuận ổn định, nhưng cũng hạn chế khả năng tạo đột phá trên thị trường.
![]() | Lợi nhuận giảm sâu bốn năm liên tiếp, Sợi Thế Kỷ (STK) vẫn lên kế hoạch kỷ lục trong năm 2025 Sau bốn năm liên tục đi lùi, lợi nhuận STK chạm đáy chỉ 45,6 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn ... |
![]() | Sau năm lãi kỷ lục, Agimexpharm (AGP) đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng vào năm 2027 Sau năm 2024 ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, Dược phẩm Agimexpharm (AGP) hướng đến mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ ... |
Thu Hà