Phiên chiều nhiều sóng gió thổi bay gần nửa tỷ đô vốn hóa FPT
Cổ phiếu FPT bất ngờ giảm sàn phiên hôm nay, kéo vốn hóa doanh nghiệp mất gần 12.000 tỷ đồng chỉ sau một phiên giao dịch. Với việc là cổ đông lớn, tài sản cá nhân Chủ tịch Trương Gia Bình cũng bốc hơi một khoản đáng kể.
Thị trường chứng khoán phiên hôm nay chứng kiến diễn biến đầy bất ngờ của cổ phiếu FPT nhà Tập đoàn FPT (HOSE: FPT). Sau phiên sáng giao dịch tương đối "êm đềm", cổ phiếu này bất ngờ bị bán tháo mạnh trong phiên chiều và nhanh chóng giảm kịch sàn (-6,98%) xuống còn 107.900 đồng/cổ phiếu – mức thấp nhất trong gần một năm trở lại đây, tương ứng giảm hơn 30% so với đỉnh 154.300 đồng mà cổ phiếu này từng thiết lập vào cuối tháng 1/2025, kéo theo vốn hóa cũng bốc hơi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cú giảm sàn hôm nay khiến vốn hóa thị trường của FPT bốc hơi 11.915 tỷ đồng chỉ trong vài tiếng giao dịch, từ mức 170.644 tỷ đồng còn 158.728 tỷ đồng. Đáng chú ý, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT đang trực tiếp nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng tỷ lệ 6,94%. Với mức giá hiện tại, tài sản của ông Bình cũng "bốc hơi" khoảng 827 tỷ đồng chỉ sau một ngày giao dịch.
Áp lực bán của cổ phiếu FPT không chỉ đến từ các nhà đầu tư trong nước. Kết phiên 16/4, khối ngoại bán ròng hơn 4,5 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng giá trị 498,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khối ngoại “xả” ròng cổ phiếu FPT không phải điều gì đó mới mẻ, bởi ngay trong quý I/2025, cổ phiếu FPT đã bị khối này bán ròng tới gần 6.900 tỷ đồng – dẫn đến hiện room ngoại đang “hở” khoảng 103 triệu đơn vị, tương đương 7% vốn điều lệ. Đây là một tỷ lệ hiếm thấy tại doanh nghiệp số một công nghệ của Việt Nam nếu so với giai đoạn 1 năm trước – thời điểm mà room ngoại gần như luôn được lấp đầy nhanh chóng sau các nhịp “hở” ra.
Một trong những quỹ ngoại lớn từng nắm giữ FPT là Pyn Elite Fund cũng đã thoái toàn bộ vị thế trong quý I năm nay. Trong thư gửi nhà đầu tư vào cuối tháng 3, ông Petri Deryng – người điều hành quỹ – cho rằng mức định giá của FPT đã “phản ánh quá nhiều kỳ vọng so với tiềm năng tăng trưởng thực tế”.
Ông Petri cũng cảnh báo: “Lịch sử thị trường chứng khoán thế giới từ năm 2000 cho thấy, khi một nhóm ngành được định giá vượt xa giá trị nội tại, sự điều chỉnh là không thể tránh khỏi”. So sánh đà tăng nóng của cổ phiếu công nghệ với bong bóng dot-com, ông cho rằng nhóm cổ phiếu này đang đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn: cạnh tranh gay gắt hơn, chi phí R&D ngày càng cao, và dòng tiền đầu tư vào tài sản rủi ro có thể suy yếu dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ từ Fed.
Trở lại với FPT, diễn biến tiêu cực của cổ phiếu đầu ngành công nghệ này diễn ra ngay sau Đại hội cổ đông thường niên 2025 tổ chức ngày 15/4.
Tại đại hội, một cổ đông góp ý nâng tỷ lệ sinh lời cổ đông (TSR) trong công thức ESOP từ 10% lên 15%, với lý do TSR 5 năm của FPT đạt hơn 40%. Tuy nhiên không nhận được sự đồng thuận của ban lãnh đạo.
Ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng Giám đốc FPT chia sẻ: "Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chúng tôi không có ý định tác động vào giá. Chúng tôi đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và quan hệ cổ đông tốt nhất trên thị trường, kỳ vọng hai yếu tố này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu của FPT".

Mặc dù thông điệp từ ban lãnh đạo vẫn mang tính kiên định, thế nhưng thị trường dường như đang phản ứng theo hướng khác. Việc cổ phiếu giảm mạnh trong bối cảnh room ngoại còn trống nhiều, cùng với đà bán ròng dứt khoát từ nhà đầu tư tổ chức lớn, khiến tâm lý chung trở nên thận trọng hơn.
Nhìn chung, FPT vẫn là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam, nhưng diễn biến phiên hôm nay nói riêng và thời gian gần đây nói chung có thể là dấu hiệu cho một giai đoạn “định giá lại” cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh thị trường đang tái cân bằng kỳ vọng với thực tế.