Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) có tiền thân là cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận, được thành lập vào ngày 28/04/1988. PNJ chuyên sản xuất, kinh doanh trang sức bằng vàng, bạc, đá quý. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004. PNJ hiện quản lý và vận hành Xí nghiệp nữ trang PNJ với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ đồng và công suất sản xuất đạt trên 4 triệu sản phẩm/năm.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 82.800 đồng/cp. Hình minh họa |
Tính đến cuối năm 2022, PNJ đã phát triển hệ thống phân phối với 364 cửa hàng cửa hàng bán lẻ, kênh thương mại điện tử và gián tiếp thông qua hơn 3.000 khách hàng sỉ trên toàn quốc. Sản phẩm của PNJ đã được xuất khẩu tới 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. PNJ được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2009.
PHS kỳ vọng doanh thu của công ty trong năm 2023 sẽ đạt 35.438 tỷ đồng (+4,6% YoY) thông qua việc mở rộng các chuỗi cửa hàng nhưng có thể sẽ gặp bất lợi từ sức mua yếu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 1.763 tỷ đồng (-2,4% YoY) cho năm 2023.
Điểm nhấn đầu tư:
(1) Có thể nói PNJ đang sở hữu chiều sâu nhất trong chuỗi giá trị trang sức thời trang nếu so với các đối thủ trên thị trường hiện tại. Việc mang lại những giá trị gia tăng cho khách hàng ngoài chất liệu sản phẩm sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của PNJ. Đồng thời, công ty cũng đứng đầu về nguồn thợ kim hoàn và mạng lưới phân phối.
(2) PHS tin PNJ đang sở hữu sức mạnh thương hiệu, hướng tiếp cận đúng đắn về mặt hình ảnh và thương hiệu để hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu của mảng trang sức thời trang.
(3) Cổ phiếu PNJ theo PHS có một số đặc điểm khiến nó phù hợp để chống chọi lại với tình trạng lạm phát và lãi suất cao: khả năng chuyển lạm phát cho người tiêu dùng thông qua tăng giá bán và một bảng cân đối tương đối lành mạnh, ít đòn bẩy. Đồng thời khi xem xét lại lịch sử lạm phát và lợi nhuận của PNJ PHS nhận thấy tác động của lạm phát lên lợi nhuận là không quá khủng khiếp.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 82.800 đồng/cp. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị GIỮ với mức giảm giá tiềm năng là 0%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Rủi ro: (1) Sức mua suy yếu do lạm phát, lãi suất cao; (2) Mất đi nhân lực kim hoàn (3) Không tự chủ nguồn nguyên liệu (4) Sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh trong một thị trường phân mảnh.
VCSC nâng giá mục tiêu cho Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) thêm 3,3% lên 31.000 đồng/cp và duy trì khuyến nghị MUA do VCSC nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giai đoạn 2023-2027 thêm 3%. Ngoài ra, VCSC nâng dự báo tổng LNST điều chỉnh giai đoạn 2023-2027 thêm 1%.
Dự báo tổng LNST cao hơn của VCSC chủ yếu do VCSC dự phóng hoàn nhập dự phòng nợ xấu và thu nhập từ lãi cao hơn cũng như giảm giả định giá khí. VCSC dự báo LNST điều chỉnh năm 2023 tăng 27% YoY với sự cạnh tranh từ mảng thủy điện giảm, hỗ trợ sản lượng tăng thêm 10% YoY sau khi sản lượng phục hồi 27% YoY trong năm 2022. Ngoài ra, VCSC dự báo giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) tăng sẽ bù đắp cho giá khí tăng.
VCSC duy trì quan điểm tích cực đối với lợi thế chi phí của NT2 so với các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện than khác bất chấp sự cạnh tranh từ mảng năng lượng tái tạo và giá khí tăng. Với bảng CĐKT không có nợ vay, VCSC dự phóng NT2 sẽ có lợi suất cổ tức tăng (10,7% trong năm 2023). Tính đến ngày 31/12/2022, NT2 có khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng tiền mặt khả dụng cho việc chi trả cổ tức.
NT2 hiện đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng năm 2023 là 5,7 lần – thấp hơn đáng kể so với trung vị EV/EBITDA trung bình 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 9,3 lần. P/E năm 2023 của NT2 cũng ở mức thấp là 10,4 lần.
Yếu tố hỗ trợ: Chi trả cổ tức cao hơn so với giả định của VCSC. Rủi ro không hoàn nhập dự phòng nợ xấu trong năm 2023 và 2024.
VCSC nâng giá mục tiêu dành cho cổ phiếu BSR của Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn thêm 17% lên 20.500 đồng/cp và duy trì khuyến nghị MUA. Giá mục tiêu của VCSC được điều chỉnh tăng là do LNST dự phóng giai đoạn 2023-2024 cao hơn 17% nhờ các giả định về crack spread diesel (DO) cao hơn của VCSC.
VCSC dự báo LNST năm 2023 sẽ giảm khoảng 40% YoY đạt 8,5 nghìn tỷ đồng (tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn khoảng 10% so với mức đỉnh theo chu kỳ trước đó vào năm 2017) do VCSC kỳ vọng crack spread sẽ hạ nhiệt từ mức đỉnh năm 2022 và sản lượng giảm do quá trình bảo dưỡng/sửa chữa định kỳ. Crack spread dầu DO trung bình trong năm 2022 cao hơn dự báo của VCSC và vẫn duy trì ổn định vào đầu năm 2023. VCSC duy trì quan điểm tích cực từ việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại có thể hỗ trợ nhu cầu xăng dầu toàn cầu cao hơn, điều này sẽ bù đắp cho rủi ro chững lại của tăng trưởng kinh tế và dẫn đến chênh lệch cung cầu cao hơn trong năm 2023.
Định giá BSR hấp dẫn với P/B 2023 là 0,9 lần và P/E là 5,9 lần. Yếu tố hỗ trợ là sản lượng cao hơn dự kiến nếu quá trình bảo trì được hoãn lại; cổ tức cao hơn dự kiến; chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE trong năm 2023.
Rủi ro: Giá dầu biến động gây áp lực lên crack spread và dự phòng hàng tồn kho.
Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) công bố KQKD cả năm 2022 với doanh thu thuần 34.979 tỷ đồng (+33% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 5.224 tỷ đồng (+42% yoy). Kết quả trên vượt 0,5% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận hồi đầu năm. Một số điểm đáng lưu ý:
Giống như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, tiêu thụ bia có vẻ đã yếu dần về cuối năm do sức mua và niềm tin của người tiêu dùng giảm trước tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô (lạm phát, lãi suất cao, thất nghiệp, v.v); SAB tiếp tục giữ vững thị phần; Cạnh tranh trong ngành bắt đầu gay gắt với sự đầu tư mạnh mẽ vào các sự kiện, quảng cáo, tiếp thị của các đối thủ lớn; Biên lợi nhuận giảm dần về cuối năm do sự lệch pha của giá đầu vào và giá đầu ra.
BVSC dự báo doanh thu thuần 38.146 tỷ đồng (+9,1% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 5.594 tỷ đồng (+7,1% yoy). EPS tương ứng 8.026 đồng/cp và P/E dự phóng 23,6 lần, dựa trên giá đóng cửa ngày 10/02/2023. BVSC đặc biệt nhấn mạnh 2 lý do chính cho việc điều chỉnh giảm dự báo 2023 là: (i) lo ngại về sức mua chung của người tiêu dùng; và (ii) mặt bằng giá đầu vào được hạch toán tiếp tục ở mức cao trong 1H 2023.
Hiện SAB đang nắm lần lượt 21,8% và dưới 20% tại 2 thành viên này và dự kiến sẽ nâng sở hữu lên chi phối. Công ty chưa tiết lộ nhiều về thời gian cũng như định giá tuy nhiên cho biết việc tăng sở hữu sẽ giúp SAB chủ động hơn trong việc quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm và chuỗi cung ứng của 2 thành viên này. Bản thân Sabibeco cũng có thương hiệu bia riêng là Sagota được đánh giá rất cao. SAB cho biết nếu thương vụ này thành công, những giá trị cộng hưởng giữa Sabeco và Sabibeco sẽ thể hiện rõ nét hơn từ 2024.
BVSC đưa ra giá mục tiêu 200.650 đồng/cp cho SAB trong năm 2023, tương ứng với PE mục tiêu 25x của các công ty cùng ngành. Giá mục tiêu giảm chủ yếu do điều chỉnh dự báo 2023. Qua đó, BVSC hạ khuyến nghị xuống NEUTRAL đối với SAB.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Đức Anh