Phiên giao dịch ngày 15/3/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

15/03/2022 - 16:22
(Bankviet.com) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 15/3/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Hạ khuyến nghị xuống trung tập cho cổ phiếu PVS với giá mục tiêu là 35.500 đ/cp

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX – Mã: PVS) công bố lợi nhuận (LN) ròng 2021 giảm 3,5% svck xuống 602 tỷ đồng do ghi nhận hoàn nhập dự phòng bảo hành dự án cũ thấp hơn.

Trong bối cảnh thị trường dầu thô thắt chặt do thiếu hụt đầu tư vào thượng nguồn, cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, đẩy giá dầu Brent lên mức cao nhất kể từ 2008 (~130 USD/thùng).

Theo quan điểm của VND, giá dầu sẽ dần cân bằng trở lại trong thời gian tới (quanh 100 USD/thùng) khi căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt và nguồn cung bổ sung đến từ Mỹ và Iran. Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn, PVS sẽ hưởng lợi gián tiếp từ việc giá dầu cao với độ trễ nhất định do các hợp đồng trong các mảng Xây lắp (M&C) và FSO/FPSO thường kéo dài nhiều năm, trong khi các mảng khác (Tàu dịch vụ, Căn cứ cảng) có thể được hưởng lợi sớm hơn nhờ sự phục hồi của giá dịch vụ.

Sau nhiều năm trì hoãn do vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III, VND kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối Q2/22, tạo tiền đề cho chuỗi dự án Lô B – Ô Môn khởi công trong nửa cuối 2022. Với việc PVS đã chứng minh được năng lực trong việc xây dựng các công trình khai thác dầu khí trên biển ở cả thị trường trong và ngoài nước, VND tin rằng công ty sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào dự án này, đảm bảo khối lượng công việc cho mảng M&C của PVS trong những năm tới.

VND tin rằng các mảng HĐKD của PVS sẽ được hưởng lợi khi hoạt động dầu khí phục hồi trở lại. Đặc biệt, giá dầu cao sẽ là động lực cho các đơn vị liên quan để tái khởi động các dự án lớn tại Việt Nam, có lợi cho mảng M&C của PVS. Ngoài ra, giá dầu cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho PVS trong việc gia hạn các hợp đồng thuê FSO/FPSO, củng cố hiệu quả hoạt động của các liên doanh FSO/FPSO kể từ 2022. Nhìn chung, VND kỳ vọng PVS sẽ đạt tăng trưởng kép LN ròng là 26,7% trong năm 2022-24. Đáng chú ý, việc bổ sung phát triển điện gió ngoài khơi vào lĩnh vực kinh doanh chính vào cuối năm 2021 có thể mở ra một hướng kinh doanh mới cho công ty trong dài hạn.

Giá mục tiêu của VND tăng 13,8% lên 35.500 đồng nhờ: (1) chuyển mô hình DCF sang 2022, (2) giảm dự phóng EPS 2022 nhưng nâng dự phóng EPS 2023-24, và (3) áp dụng P/E mục tiêu cao hơn. Tuy nhiên, VND hạ khuyến nghị xuống Trung Lập do đà giá cổ phiếu tăng gần đây chủ yếu được hỗ trợ bởi giá dầu tăng mạnh. Rủi ro tăng là giá dầu cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá đến từ giá dầu giảm và sự chậm trễ trong việc trao thầu các dự án.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu SKG ở mức giá hiện tại

Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE - Mã: SKG) ghi nhận doanh thu trong Q4/2021 đạt 19 tỷ đồng, giảm 72% YoY, lỗ ròng sau thuế 20 tỷ, giảm mạnh so với mức lỗ cùng kỳ 200 triệu đồng. Lũy kế cả năm 2021, SKG ghi nhận doanh thu 167 tỷ đồng, giảm 45% YoY, lỗ ròng sau thuế 39 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 23 tỷ đồng. Như vậy, SKG đã hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và không hoàn thành kế hoạch LNST.

KQKD Q4/2021 của SKG vẫn chưa thể hồi phục sau COVID, tuy nhiên, SKG đã tiết giảm tốt chi phí giúp chi phí bán hàng giảm 54% YoY, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 41% YoY.

Tuy nhiên, FSC đánh giá ngành du lịch có khả năng phục hồi tốt trong 2022 nhờ nhu cầu du lịch trong nước ở mức cao và việc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế. Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ nhóm dịch vụ lữ hành trong tháng 2/2022 hồi phục mạnh 39,4% YoY, là mức tăng trưởng YoY đầu tiên trong suốt 23 tháng qua.

Riêng trong 9 ngày Tết Nguyên Đán (từ ngày 29/01 đến 06/02), ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, vượt mức 5,2 triệu lượt trong cả tháng 12/2021. Tại tỉnh Kiên Giang, trong 9 ngày Tết, Kiên Giang đón 98 nghìn lượt khách du lịch. FSC kỳ vọng hoạt động vận tải hành khách tại 2 tuyến Rạch Giá – Phú Quốc và Rạch Giá – Nam Du sẽ phục hồi trong thời gian tới giúp SKG phục hồi KQKD (các hoạt động này chiếm 50% lợi nhuận SKG).

Trong ngắn hạn, thông tin Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15/03/2022 sẽ là thông tin tích cực hỗ trợ giá cổ phiếu. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam, du lịch Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, tăng 300 - 400% YoY.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, SKG đang được giao dịch tại mức P/B TTM là 1,7x. Mức Stock Rating của SKG ở mức 83 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của SKG đóng cửa tăng 4,62% và đồ thị giá xuất hiện khoảng trống tăng giá với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét mua vào tại các nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của SKG cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu DPM

Mức Stock Rating của DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP – Sàn HOSE) ở mức 98 điểm, cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồng thời, Sức mạnh giá của DPM ở mức 95 điểm cho thấy dư địa tăng giá ngắn hạn vẫn còn.

Đồ thị giá của DPM đóng cửa tăng 3,9% và đồ thị giá xác lập mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng nhẹ so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, đồ thị giá đang rơi vào vùng quá mua và nếu nhịp điều chỉnh xuất hiện trong 1-2 phiên tới thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ gia tăng dần.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo mua vào phiên 09/02/2022 với lợi nhuận tạm tính 50,23%, cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ và không nên mua mới.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC

Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu GDT với giá mục tiêu 65.425 đồng/cp, Upside: 14,4%

Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HOSE - Mã: GDT) đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 11,8x (dựa trên kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2022), sát với mức 12,0x so với mức trung bình 1 năm. BVSC tin rằng GDT xứng đáng được đánh giá lại định giá hơn nữa dựa trên: (1) Các yếu tố cơ bản tốt hơn (bao gồm: triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn, ROE mạnh mẽ, bảng cân đối kế toán tốt, dòng tiền hoạt động ổn định và lợi tức cổ tức hấp dẫn); (2) Triển vọng cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu; và (3) Chuẩn bị kỹ lưỡng cho chu kỳ tăng trưởng mới, bao gồm nguồn nhà máy và con người.

Theo đó, BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với GDT và giữ nguyên giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp DDM ở mức 65.425 đồng/cổ phiếu (Upside: 14,4%). BVSC lưu ý rằng TP của BVSC bao gồm chiết khấu định giá 15% do tính thanh khoản thấp của cổ phiếu, và chưa kết hợp bất kỳ tác động nào từ việc đánh giá lại các tài sản bất động sản của Công ty.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thiện Nhân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán