Phiên giao dịch ngày 28/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

28/08/2023 - 02:39
(Bankviet.com) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 28/8/2023, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty Chứng khoán Agribank - AGR

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 27.000 đồng/cp

Tăng trưởng tín dụng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) dẫn đầu ngành với quy mô tăng hơn 10% - cao hơn so với trung bình ngành (4,7%). LNTT 6T2023 của VPB đạt 5.162 tỷ đồng (-66% yoy) chủ yếu do không còn khoản phí trả trước từ AIA như cùng kỳ năm trước (hơn 5.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, NIM giảm và trích lập dự phòng tăng theo xu hướng chung của ngành cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPB giảm.

Phiên giao dịch ngày 28/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý
AGR khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 27.000 đ/cp (upside 33%).

Tuy nhiên tình hình tài chính 6T2023 của VPB vẫn có điểm sáng như chất lượng tài sản được cải thiện: mức tăng nợ xấu từ đầu năm nay chỉ có 0,2% và thấp hơn so với trung bình ngành, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm cả về tỷ trọng lẫn giá trị, hiện chỉ còn 28.000 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm và chỉ còn chiếm 5,7% tổng tín dụng.

Nhờ mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thấp giúp VPB cắt giảm chi phí huy động, và với các chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng CASA cuối năm trên 30% tạo điều kiện thuận lợi cho NIM mở rộng, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, với hệ số an toàn vốn (CAR) 6T2023 đạt 15%, vươn lên đứng thứ 2 toàn ngành đã tạo lợi thế cho VPB được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành 24%. Điều này sẽ giúp VPB có dư địa tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm.

Ngày 15/8/2023, NHNN đã chấp thuận việc SMBC mua cổ phần mới phát hành của VPB, dự kiến SMBC sẽ mua 1,2 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ, giá dự kiến 30.159 đồng/cp, tương đương giá trị gần 36.000 tỷ đồng, giúp tăng VĐL tăng 45.056 tỷ đồng lên 67.433 tỷ đồng, mở ra tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho VPB. Ngoài ra, việc giá chào bán dự kiến 30.159 đồng/cp cao hơn 33% so với giá thị trường có thể sẽ giúp cổ phiếu VPB diễn biến tích cực trong ngắn hạn.

AGR kỳ vọng nửa cuối năm 2023 lợi nhuận của VPB tăng nhờ: (1) quy mô tín dụng tiếp tục tăng trưởng trên 10%; (2) tỷ lệ NIM sẽ cải thiện. Hiện tại, P/B cổ phiếu VPB tương đương so với trung bình ngành 5 năm gần đây (1,6x), tuy nhiên AGR đánh giá VPB còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ năng lực tài chính gia tăng khi hợp tác SMBC giai đoạn tới. Do đó, AGR khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 27.000 đ/cp (upside 33%).

Khuyến nghị tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu là 100.000 đồng/cp

Công ty CP FPT (HOSE: FPT) có kết quả kinh doanh 7 tháng duy trì tốc độ tăng 20% nhờ tăng trưởng ở mảng công nghệ (Xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số). AGR dự báo FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng 18-20% trong nửa cuối năm và cả năm 2023 nhờ 2 động lực tăng trưởng chính trên. FPT dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt đợt 1 tỷ lệ 10% trong tháng 9 tới.

FPT hiện đang được giao dịch P/Ef 2023 ở mức 15,9x, cao hơn so với bình quân 3 năm trước. FPT là cổ phiếu đầu ngành công nghệ với tốc độ tăng trưởng bền vững cùng chính sách duy trì cổ tức đều đặn. Do đó, AGR khuyến nghị tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu là 100.000 đồng/cp (upside 16% so với giá hiện tại).

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị giữ cổ phiếu VNM

Kết thúc quý 2/2023, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) ghi nhận doanh thu và Lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 15.213 tỷ đồng (+1,7% YoY, +9% QoQ) và 2.229 tỷ đồng (+6% YoY, +16,9% QoQ). Biên lợi nhuận trong quý là 40,5%, tăng 170bps so với quý 1, chủ yếu nhờ vào nguyên vật liệu đầu vào giảm giá.

PHS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 60.367 tỷ đồng (+0,7% YoY) và 9.204 tỷ đồng (+7,3% YoY) nhờ vào chiến lược tái định vị thương hiệu và giá nguyên liệu đầu vào giảm.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 73.100 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị giữ cổ phiếu VNM với mức tăng giá tiềm năng là -0,5%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Rủi ro: (1) Suy yếu sức mua do suy thoái kinh tế; (2) Biến động bất lợi của giá nguyên vật liệu; (3) Rủi ro gia nhập mảng kinh doanh mới.

Điểm nhấn đầu tư: Biên lợi nhuận gộp tích cực nhờ vào giá nguyên vật liệu. Giá sữa bột gầy (SMP) và sữa nguyên kem (WMP) trong thời gian qua đã liên tục điều chỉnh giảm kể từ thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh tại Ukraine. Giá nguyên liệu đầu vào của Vinamilk đã có mức cải thiện lớn nhất kể từ đầu năm 2021, khi biên lợi nhuận gộp trong Q2.2023 đạt 40,5% (Lũy kế 6 tháng năm 2023 đạt 39,7%), tương ứng với mức tăng 170 điểm cơ bản so với quý trước.

Công ty kỳ vọng xu hướng hồi phục của biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp diễn trong các quý tiếp theo với mục tiêu quay trở về mức trước đại dịch COVID. Tuy nhiên, công ty cũng không miễn nhiễm với các tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoạn El Nino khi nhiệt độ tăng cao có thể làm tăng giá nguyên liệu chăn nuôi, cũng như làm giảm sản lượng sữa. Công ty cũng đã điều chỉnh giá thu mua sữa lên 7% để chia sẻ với người nông dân trong thời gian vừa qua và đã chốt giá nguyên vật liệu tới cuối quý 3 và đầu quý 4 năm 2023.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MSH

Kết quả kinh doanh quý 2/2023 của Công ty CP May Sông Hồng (HOSE: MSH) tăng trưởng mạnh mẽ trên mức nền thấp với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 142% QoQ và 213% QoQ đạt 1.542 tỷ đồng và 85 tỷ đồng, bắt đầu cho tín hiệu phục hồi nhờ công ty ký được nhiều đơn hàng mới. Lũy kế 6T2023, MSH ghi nhận doanh thu thuần giảm 20,4% YoY đạt 2.179 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 33,2% YoY đạt 112 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng tình hình đơn hàng vào quý 3 vẫn gặp khó khăn, tuy nhiên từ quý 4 đơn hàng sẽ dồi dào trở lại.

Điểm nhấn đầu tư: Chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng đơn hàng FOB giúp tăng biên lợi nhuận gộp. Không giống phần lớn các doanh nghiệp trong ngành, MSH là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may chú trọng phát triển và gia tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm theo phương thức FOB. So với đơn hàng CMT, FOB là phương thức có biên lợi nhuận cao hơn do doanh nghiệp được chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào để làm ra sản phẩm. Do đó, MSH có biên lợi nhuận gộp ở đơn hàng FOB và chăn ga gối đệm cao hơn so với đơn hàng CMT, dao động khoảng 14% - 23%.

Xây dựng nhà máy mới đóng góp vào tăng trưởng chung của Công ty: Vào tháng 3/2022, MSH đã đưa nhà máy may Sông Hồng 10 vào hoạt động với công suất trên 40 chuyền may, hiện đang thu hút khoảng 2.000 công nhân, bằng một nửa so với công suất thiết kế. Về dự án nhà máy Xuân Trường thuộc công ty con May Sông Hồng – Xuân Trường, MSH dự kiến nắm 51% vốn điều lệ và sẽ bắt đầu xây dựng vào quý 3/2023, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024. Nhà máy này dự kiến có vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích khoảng 9,8ha, công suất khoảng 50 chuyền may, với quy mô 3.000 lao động. Sau khi 2 nhà máy mới hoạt động hết công suất, tổng công suất của MSH sẽ tăng lên khoảng 17%. Các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng năng suất cho các đơn hàng FOB, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

Định giá & khuyến nghị: PHS ước tính doanh thu thuần của MSH năm 2023F đạt 4.954 tỷ đồng (-10.3% YoY) và biên lợi nhuận gộp năm 2023F sẽ giảm xuống mức 14,5% do (1) nhu cầu suy yếu tại các thị trường xuất khẩu, (2) đơn giá hàng dệt may giảm, (3) kỳ vọng chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm nhưng không đủ bù đắp vào đơn giá đầu ra giảm. Qua đó, lợi nhuận sau thuế giảm 19, 9% YoY đạt 270 tỷ đồng. Dù vậy, PHS tin vào triển vọng dài hạn của MSH nhờ tăng tỷ trọng hàng FOB và các nhà máy mới đi vào hoạt động. Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho MSH là 49.350 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu MSH với mức tăng giá tiềm năng là 37%.

Rủi ro: (1) Rủi ro nguồn nguyên liệu; (2) Rủi ro cạnh tranh; (3), Rủi ro tập trung khách hàng; (4) Rủi ro nguồn lao động; (5) Rủi ro tỷ giá hối đoái.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 23/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Phiên giao dịch ngày 24/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Phiên giao dịch ngày 25/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán