Phiên giao dịch ngày 5/6/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

05/06/2023 - 02:37
(Bankviet.com) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 5/6/2023, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MBB

Thu nhập lãi thuần trong Q1/23 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) tăng 22% svck, nhờ tăng trưởng tín dụng 13% svck và NIM tăng 10 điểm cơ bản. Thu nhập ngoài lãi giảm 48% svck do (1) thu nhập từ phí dịch vụ giảm 38% do hoạt động môi giới chứng khoán/bảo hiểm kém tích cực, (2) thu nhập từ mua bán chứng khoán giảm 85% và (3) thu nhập từ HĐKD ngoại hối giảm 21%. Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và giảm lần lượt 13% và 1% svck. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động tăng 3% svck và LN ròng tăng 11% svck, vượt dự báo của VND.

Phiên giao dịch ngày 5/6/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý
VND duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MBB với giá mục tiêu không đổi là 29.300 đồng/cp.

Lợi suất tài sản của MBB tăng 190 điểm cơ bản svck trong khi chi phí vốn tăng 210 điểm cơ bản svck trong Q1/23. NIM tăng thêm 10 điểm cơ bản svck lên 5,7% (-10 điểm cơ bản sv quý trước), tiếp tục ở top đầu ngành và vượt xa kỳ vọng của VND. Tỷ lệ CASA của MBB, mặc dù giảm trong quý như hầu hết các ngân hàng khác, nhưng vẫn đầu ngành ở mức 35,5% (-5,1đ% sv quý trước) và góp phần duy trì NIM. MBB đạt mức tăng trưởng tín dụng 3,8%% sv đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn hệ thống là 2,1%. Tăng trưởng tiền gửi ổn định ở mức 2,0% sv đầu năm với tiền gửi cá nhân tăng 10,5% và tiền gửi doanh nghiệp giảm 8,4%.

Tỷ lệ nợ xấu tăng 75 điểm cơ bản svck và 65 điểm cơ bản sv quý trước lên 1,8% vào cuối Q1/23. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng mạnh 230 điểm cơ bản svck và 180 điểm cơ bản sv quý trước lên 3,5%. Khả năng cao chất lượng tài sản suy giảm chủ yếu ở mảng bất động sản (BĐS), bao gồm cả cho vay các DN phát triển BĐS và cho vay mua nhà. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB đã giảm từ 238% cuối 2022 xuống còn 138% cuối Q1/23 do nợ xấu tăng đột biến. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu/ nợ nhóm 2 gia tăng là đáng quan ngại, VND tin rằng MBB vẫn sẽ có thể kiểm soát tốt nợ xấu/dự phòng trong năm nay khi xét đến khả năng hưởng lợi từ Thông tư 02/23 và những diễn biến tích cực gần đây trong lĩnh vực BĐS và năng lượng tái tạo (NLTT), hai ngành MBB có mức dư nợ tín dụng đáng kể.

Với kết quả Q1/23 tốt hơn kỳ vọng, VND điều chỉnh giảm dự phóng chi phí dự phòng và nâng dự báo LN ròng giai đoạn 2023-24 tăng nhẹ 2,2%/3,0% lên 19,6/22,9 nghìn tỷ đồng. VND đã cập nhật cổ tức tiền mặt 500đ/cp (lợi suất 2,7%) vào định giá. Nhìn chung, VND cho rằng phần lớn những yếu tố bất lợi và rủi ro xung quanh chất lượng tài sản của MBB đã được phản ánh vào giá cp vì MBB hiện chỉ đang giao dịch ở mức 0,9 lần P/B 2023, thấp hơn nhiều so với TB 3 năm là 1,5 lần.

Với mức định giá này, VND tiếp tục nhận thấy MBB vẫn hết sức hấp dẫn nhờ các động lực tăng trưởng dài hạn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng. Do đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi là 29.300 đồng/cp. Rủi ro giảm giá bao gồm nợ xấu cao hơn và tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với dự kiến.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Xem xét mua cổ phiếu QNS ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5%

CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ghi nhận doanh thu Q1/2023 đạt 2.139 tỷ, tăng 17% YoY, LNTT đạt 357 tỷ, tăng 71% YoY. Ngoài ra, KQKD T4/2023 vừa công bố với doanh thu 1.280 tỷ đồng, tăng 51% YoY, LNTT đạt 224 tỷ đồng, tăng 164% YoY, QNS đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh thu QNS tăng mạnh chủ yếu nhờ: 1) sản lượng tiêu thụ tăng mạnh từ mức nền thấp cùng kỳ Q1/2022; 2) giá đường cao hơn cùng kỳ nhờ giá đường thế giới tăng cao và Bộ Công thương tiếp tục siết chặt về vấn đề đường nhập lậu. Biên lợi nhuận gộp mở rộng lên mức 28.0% (cùng kỳ 26.5%). Trong khi đó, chi phí bán hàng giảm 10% YoY còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 6% YoY.

FSC kỳ vọng mảng đường sẽ là động lực tăng trưởng cho QNS trong 2023. Giá đường thế giới vẫn đang ở mức cao nhất từ 2011 đến nay do hạn chế nguồn cung từ Ấn Độ, Thái Lan và Brazil do điều kiện thời tiết không thuận lợi và nhu cầu chuyển một phần mía đường sang sản suất ethanol. FSC vẫn kỳ vọng giá đường sẽ ở mức cao cho cả năm 2023 do nhu cầu cho ethanol trong ngành năng lượng hiện nay vẫn khá cao và nguồn cung vẫn chưa kịp đáp ứng. Theo đó, giá đường thế giới cao cùng với các biện pháp siết chặt nạn đường nhập khẩu lậu của Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ KQKD mảng đường trong nước của QNS. Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng đường 2023 của công ty sẽ đạt khoảng 200 nghìn tấn, tăng 54% YoY nhờ sản lượng mía tăng 45% YoY.

Đối với mảng sữa đậu nành của QNS, FSC không kỳ vọng nhiều do nhu cầu sữa vẫn yếu trong bối cảnh vĩ mô khó khăn khiến người dùng tiết kiệm chi tiêu hơn. Đến hiện tại, doanh thu cả ngành sữa vẫn chưa có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, giá bán sữa tăng sẽ giúp hỗ trợ biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, QNS cũng lên kế hoạch phát triển, trồng thử nghiệm vùng trồng nậu nành mới ở Đồng bằng sông cửu long, hiện đã thử nghiệm trồng 2 vụ và dự kiến sẽ thử nghiệm 1-2 vụ nữa trước khi áp dụng vào sản xuất thương mại. FSC cho rằng đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận QNS trong trung hạn.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, QNS đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 10.9x (tương ứng EPS TTM là 3.984 đồng). Mức Stock Rating của QNS ở mức 88 điểm cho nên FSC đánh giá TÍCH CỰC mức tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của QNS đóng cửa tăng 4.4% với khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao trong 3 phiên liên tiếp vừa qua cho thấy dòng tiền ngắn hạn đã hồi phục tích cực hơn. Đồng thời, đồ thị giá của QNS vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên FSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên mua vào tại các nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của QNS cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5% và tăng dần tỷ trọng lên khi mức Sức mạnh giá trên mức 80 điểm.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu VLB

Theo BCTC Quý 1/2023 được CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (UPCoM: VLB) công bố, doanh thu thuần giảm 8,8% so với cùng kỳ, đạt 248,61 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 17,3% so với quý 1/2022, chỉ đạt mức 35,96 tỷ đồng.

Năm 2023 Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn hơn 700.000 tỷ đồng, với hàng loạt dự án trọng điểm trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó, trọng tâm đầu tư vào dự án sân bay Long Thành và cơ sở hạ tầng đường bộ, cao tốc ở khu vực phía Nam. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tại khu vực này sẽ rất lớn.

Bộ Giao thông Vận tải nhận định, nhu cầu về đá xây dựng trong giai đoạn từ 2023 – 2025 sẽ cần ít nhất 21,5 triệu m3. Trong khi đó, tại phía Nam nguồn cung mỏ đá đang tương đối hạn chế do phần lớn đã hết thời hạn khai thác hoặc đang trong quá trình xin giấy phép gia hạn. Do đó, những doanh nghiệp đang sở hữu những mỏ đá có trữ lượng dồi dào cùng với giấp phép khai thác đã được gia hạn sẽ có lợi thế cạnh tranh không nhỏ.

Dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP), cùng với các triển vọng về tiêu thụ đá xây dựng cũng như các rủi ro có thể phát sinh, mức giá mục tiêu cho năm 2023 là 36.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% so với mức giá đóng cửa ngày 30/05/2023.

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID

Quý 1/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) có thu nhập lãi thuần đạt 13.936 tỷ đồng (+8,7% YoY); TOI đạt 17.278 tỷ đồng (+6,5% YoY). Chi phí trích lập dự phòng đạt 5.527 tỷ đồng (-25,2% YoY) khiến LNTT đạt 6.920 tỷ đồng (+53,3% YoY).

KBSV kì vọng tăng trưởng tín dụng đạt 11-12% dựa trên: (1) Các động thái giảm lãi suất điều hành để kéo nền lãi suất cho vay xuống thấp, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. (2) Thanh khoản được đảm bảo dù tăng trưởng huy động khách hàng vẫn ở mức thấp nhờ các động thái bơm ròng của NHNN qua kênh OMO.

KBSV kì vọng NIM của BID sẽ có sự cải thiện nhẹ trong 2H2023 dựa trên động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN giúp giảm chi phí đầu vào bình quân trong khi biến động lãi suất đầu ra sẽ có độ trễ hơn cũng như lãi suất cho vay cần được điều chỉnh phù hợp với mức độ rủi ro của từng khoản vay.

Ban lãnh đạo BID đề ra kế hoạch trích lập dự phòng trong khoảng 20-21 nghìn tỷ đồng, giảm 13% Yoy. Đây là thử thách lớn tuy nhiên có cơ sở nhờ bộ đệm dự phòng của BID đã tích lũy trong các năm trước với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến thời điểm hiện tại đạt 171,3%, cao thứ 3 toàn ngành.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BID. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 46.300 đồng/cp.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 31/5/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Phiên giao dịch ngày 1/6/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Phiên giao dịch ngày 2/6/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán