CTCP Everpia (HOSE - Mã: EVE) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 lần lượt là 1.000 tỷ doanh thu (+15,6% YoY) và 70 tỷ lợi nhuận sau thuế (+17% YoY).
BSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 cho EVE lần lượt là 1.092 tỷ doanh thu (+26% YoY) và 81 tỷ lợi nhuận sau thuế (+36% YoY). EPS fw năm 2022 đạt 2.150 đồng/cp, tương đương với mức P/E fw là 7,6.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 hồi phục với doanh thu đạt 193 tỷ (+3% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,7 tỷ (so với cùng kỳ 4,5 tỷ). Mảng Chăn – ga – gối – đệm đi ngang trong khi mảng Bông tấm đang hồi phục mạnh (+21% YoY) khi đơn hàng xuất khẩu quay lại.
Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm Q1/2022: Chăn ga đạt 126 tỷ (+0% YoY), Bông tấm đạt 48 tỷ (+21% YoY) và Khăn đạt 18 tỷ (-21% YoY), Khác đạt 18 tỷ (-6% YoY). Biên lợi nhuận gộp tăng từ 33,1% lên 35,9% do biên gộp của Chăn ga gối đệm hồi phục từ 32% lên 36%.
Theo đó, BSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu EVE với giá mục tiêu 19.000 đồng/cp, (+16% so với mức giá ngày 27/04/2022) cho năm 2022 dựa trên hai phương pháp FCFE và PE với tỷ trọng 60%/40%.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE - Mã: FMC) công bố KQKD Q1/2022 tích cực: Doanh thu thuần đạt 1,328 tỷ đồng, tăng 37% YoY, LNTT đạt 45 tỷ đồng, tăng 41% YoY. Như vậy, FMC đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch LNTT.
Doanh thu Q1/2022 tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tôm tiếp tục ở mức cao, giúp giá bán tôm bình quân tăng khoảng 8% YoY, sản lượng bán tăng khoảng 30% YoY sau khi nhà máy mới Tam An bắt đầu hoạt động một phần trong Q1/2022. Biên lợi nhuận cải thiện lên mức 8.8% (cùng kỳ 7.7%) nhờ 1) giá tôm nguyên liệu chỉ tăng 4% YoY, tăng ít hơn giá đầu ra; 2) giá mua thức ăn từ C.P cũng được điều chỉnh thấp hơn sau khi C.P mua lại 25% cổ phần FMC trong Q4/2021. Ngoài ra, lợi nhuận tăng trưởng tích cực còn nhờ chi phí lãi vay giảm 48% YoY và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 22% YoY.
FSC kỳ vọng nhu cầu tôm vẫn sẽ ở mức cao ở các thị trường chính của FMC như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU giúp giá tôm xuất khẩu duy trì mức cao. Động lực tăng trưởng từ 2022 sẽ FMC sẽ là 2 nhà máy mới: Tam An (công suất 5,000 tán/năm) và Sao Ta (15,000 tấn/năm), đều dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong 2022. Tổng công suất tăng thêm từ 2 nhà máy mới là 70% công suất hiện tại. Ngoài ra, với việc cổ đông mới C.P Việt Nam hỗ trợ về thức ăn thủy sản đầu vào với giá bán tốt hơn sẽ cải thiện biên lợi nhuận FMC.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, FMC đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 14.0x (tương ứng EPS TTM là 4,587 VNĐ). Mức Stock Rating của FMC ở mức 95 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của FMC đóng cửa tăng 4.4% và vượt lên trên đường trung bình 50 phiên, đặc biệt ư đồ thị giá cũng đã lắp đi khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 25/04/2022. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và xu hướng ngắn hạn của FMC cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.
CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE - Mã: REE) ghi nhận doanh thu trong Q1/2022 đạt 2,045 tỷ đồng, tăng 73% YoY, LNST cho cổ đông công ty mẹ đạt 693 tỷ, tăng 67% YoY. Như vậy, REE đã hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận.
Doanh thu Q1/2022 tăng nhờ doanh thu mảng hạ tầng điện nước tăng gấp 3 lần cùng kỳ lên 1,445 tỷ đồng, chiếm 70% doanh thu, chủ yếu là mảng thủy điện nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi và giá bán điện CGM tăng trong Q1/2022. Biên lợi nhuận tốt hơn từ mảng thủy điện giúp biên lợi nhuận gộp tổng thể tăng lên 56.2% (cùng kỳ 36.9%). Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 27% YoY, tăng chậm hơn doanh thu.
Năm 2022, REE đặt kế hoạch doanh thu 9,247 tỷ đồng (+59% YoY) và LNST cho cổ đông công ty mẹ 2,061 tỷ đồng (+11% YoY). Bên cạnh đó, REE cũng đặt kế hoạch mảng M&E sẽ hồi phục sau COVID. FSC cũng cho rằng mảng thủy điện sẽ tiếp tục tích cực trong 2022 nhờ thủy văn thuận lợi với xác suất cao La Nina đến tháng 10/2022, mảng M&E cũng sẽ kỳ vọng hồi phục nhờ các hoạt động kinh doanh hồi phục sau COVID.
Động lực tăng trưởng trong trung hạn của REE vẫn sẽ là mảng năng lượng với mục tiêu tổng công suất 1,500MW vào năm 2025 và kế hoạch IPO mảng này sớm trong tương lai.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, REE đang được giao dịch tại mức PE TTM là 11.5x (tương ứng EPS TTM là 6,899 đồng). Mức Stock Rating của REE ở mức 95 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của REE đóng cửa tăng 4.2% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ trên mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá tiến về gần đỉnh cũ 88.59 cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh và các nhà đầu tư không nên mua đuổi khi rủi ro của thị trường chung vẫn ở mức cao. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của REE cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.
Mức Stock Rating của DDV (CTCP DAP - VINACHEM - Sàn UPCoM)ở mức 93 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của DDV đóng cửa tăng 9.3% với KLGD vẫn thấp hơn mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá tiến sát đường trung bình 20 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể.
Xu hướng ngắn hạn của DDV cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.
Trong Q1/22, CTCP Gemadept (HOSE - Mã: GMD) ghi nhận doanh thu tăng 28,0% svck, trong đó doanh thu dịch vụ cảng biển tăng 26,3% svck nhờ tăng trưởng sản lượng 24% svck và phí dịch vụ trung bình tăng 1,9% svck theo ước tính. Doanh thu logistics tăng 37,2% svck nhờ đóng góp của dịch vụ kho bãi với diện tích nhà kho tăng 21,2% svck và dịch vụ vận tải thủy hưởng lợi từ giá cước tăng phi mã. Sản lượng của Gemalink đạt 300.000 TEU và ghi nhận lợi nhuận ròng 38,5 tỷ trong Q1/22, giúp lợi nhuận từ công ty liên kết tăng 408,8% svck. Tổng hợp lại, LN ròng Q1/22 tăng 86,1% svck, theo sát dự phóng và hoàn thành 27,2% dự phóng cả năm.
GMD sẽ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1 và giá chào bán 20.000 đồng/cp. Nếu thành công, GMD sẽ thu về 2.009 tỷ đồng để tài trợ cho dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 (800 tỷ) và Gemalink giai đoạn 2 (1.000 tỷ). GMD đang đàm phán để thoái 24% vốn tại Gemalink. GMD đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.200 tỷ (+48,9% svck) theo kịch bản tích cực, tuy nhiên VND kỳ vọng LNTT 2022 có thể tăng 55,7% svck đạt 1.255 tỷ chủ yếu nhờ đóng góp của Gemalink (275 tỷ).
VND duy trì mức dự phóng EPS 2022-23 trên nhiều yếu tố phức hợp. VND kỳ vọng triển vọng dài hạn tươi sáng hơn cho GMD nhờ các dự án đầu tư hưởng lợi từ thị trường cảng biển & vận tải biển sôi động của Việt Nam, qua đó VND nâng dự phóng tăng trưởng kép 2022-26 từ 4,3% lên 9,9%, giúp tăng trưởng kép LN ròng 2022-26 tăng từ 20,3% lên 23,0%.
VND nâng khuyến nghị lên Khả quan cho GMD với giá mục tiêu theo phương pháp SOTP là 64.400 đồng/cp (+22,2%) do (1) VND chuyển mô hình dự báo sang năm 2022, và (2) VND nâng tăng trưởng kép lợi nhuận 2022-26 từ 20,3% lên 23,0% nhờ các dự án đầu tư có thể tận dụng sự sôi động của thị trường cảng biển và vận tải biển Việt Nam trong giai đoạn tới.
Năm 2022, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE - Mã: HT1) ghi nhận doanh thu thuần và LNST dự kiến lần lượt là 7,9 nghìn tỷ đồng và 402 tỷ đồng. Kế hoạch này thấp hơn nhiều so với dự báo của PHS, trong đó, PHS kỳ vọng Doanh thu thuần có thể đạt tới 8,8 nghìn tỷ đồng và LNST là 414 tỷ đồng, tương đương với mức tăng sản lượng 11% và giá bán có thể tăng 12% để bù đắp phần nào mức tăng phi mã của giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là than đá, vốn rất cần thiết cho sản xuất xi măng và clinker.
Kể từ năm 2021, Biên lợi nhuận gộp đã giảm đáng kể (từ 17% xuống 12%) trong bối cảnh giá nhiên liệu và than trên toàn thế giới tăng mạnh, và đã lên gấp đôi do thiếu hụt nguồn cung vì nhu cầu phục hồi nhanh chóng cũng như căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu. Năm 2022, PHS hạ thấp hơn nữa Biên lợi nhuận gộp dự kiến xuống 11%.
Kết quả hoạt động yếu kém trong Q1/2022 do áp lực chi phí đầu vào: Lợi nhuận của HT1 trong quý đầu tiên của năm 2022 giảm xuống còn 24,8 tỷ đồng (-74% YoY) và chỉ hoàn thành 6,2% kế hoạch. Công ty phải chịu sự biến động cực kỳ bất lợi của giá nguyên liệu đầu vào trọng yếu khi giá than có thời điểm đạt mức kỷ lục 462 USD/tấn do những lo ngại về nguồn cung từ Nga.
Kế hoạch cổ tức: Trong năm 2022, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% trên vốn điều lệ (600 đồng/cổ phiếu).
Điểm nhấn đầu tư: (1) Hà Tiên 1 đã và đang thống lĩnh miền Nam với 2 nhà máy xi măng tiên tiến cùng với 3 trạm nghiền, tọa lạc tại những khu vực lý tưởng với mạng lưới phân phối đặc biệt lớn, dẫn đầu về số lượng nhà phân phối trên toàn khu vực.
(2) Nhờ có ưu thế về vị trí kinh doanh, HT1 đang hưởng lợi từ giá bán cao hơn 25% so với các đối thủ phía Bắc vì nguồn cung thường xuyên thiếu hụt do hầu hết các mỏ đá vôi đều tập trung ở phía Bắc.
(3) Trong khi mức tiêu thụ xi măng bình quân đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, thì các công trình dân cư và các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai xây dựng với tốc độ cao, vì đây là động lực quan trọng được chính phủ ưu tiên để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong tương lai. Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vật liệu xây dựng, đặc biệt là Xi măng, và thắp sáng triển vọng cho HT1 trong giai đoạn sắp tới.
Định giá & khuyến nghị: Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá hợp lý là 24.500 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị MUA với mức tăng giá tiềm năng là 32%. Định giá của PHS giả định rằng tốc độ tăng trưởng dòng tiền sau năm 2026 là 0% (g = 0%) do thị trường xi măng trong nước hiện phân mảnh và đang tiến dần đến tình trạng bão hòa mà không có động lực tăng trưởng mới.
Rủi ro: (1) Sự xuất hiện các chủng virus Corona mới có thể kháng vaccine (2) Sự biến động bất lợi về giá của nguyên liệu đầu vào.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Thiện Nhân
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam