Theo thông báo, bà Trần Ngọc Diệu đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu NKG, tương ứng với giá trị theo mệnh giá là 20 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 18/11/2022 đến 17/12/2022. Mục đích mua cổ phiếu của bà Diệu là đầu tư tài chính cá nhân.
Hiện tại, bà Diệu đang nắm giữ 432.828 cổ phiếu NKG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,164%. Nếu giao dịch mua thành công, bà Diệu sẽ nâng sở hữu tại Thép Nam Kim lên 0,924%, tương đương hơn 2,4 triệu cổ phiếu.
Động thái đăng ký mua của bà Diệu diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu NKG liên tục sụt giảm. Kết phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu NKG ghi nhận phiên giảm giá thứ 9 liên tiếp, đóng cửa ở mức 7.400 đồng/cổ phiếu.
Theo giải trình mới đây của Công ty về việc giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Thép Nam Kim cho biết, giá mua bán cổ phiếu hiện nay bị tác động với nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô. Giá cổ phiếu giảm sàn nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, bởi vì việc mua bán cổ phiếu phụ thuộc vào thị hiếu và tâm lý của nhà đầu tư.
Diễn biến giá cổ phiếu NKG trong 2 năm gần đây (Nguồn: Tradingview) |
Về tình hình kinh doanh, Thép Nam Kim công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu giảm đến 41% so với cùng kỳ xuống còn 4.424 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm 26,5% đẩy doanh nghiệp này vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Lỗ gộp quý 3 hơn 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này dương đến gần 1.300 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Thép Nam Kim lỗ ròng 419 tỷ đồng quý 3/2022 trong khi cùng kỳ lãi gần 607 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 18.771 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,2% và 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện được 67% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Thép Nam Kim đạt 15.860 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tồn kho chiếm đến 8.837 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với cuối quý trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng giảm giá cho khoản mục này lên đến hơn 290 tỷ đồng vào cuối quý 3. Con số này tại thời điểm 30/6 mới ở mức hơn 100 tỷ đồng.
Thế Hưng