Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu VPB

29/07/2024 - 19:58
(Bankviet.com) Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa thông báo giao dịch của người nội bộ và người liên quan của người nội bộ.

Cụ thể, bà Phạm Thị Nhung, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu VPB để đầu tư cá nhân. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 1/8/2024 đến 29/8/2024, theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu VPB
Ảnh minh họa.

Nếu mua thành công, bà Nhung sẽ nâng số lượng cổ phiếu VPB sở hữu từ 1,065 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,0134%) lên 6,065 triệu cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ 0,0765%.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 26/7, thị giá cổ phiếu VPB đang dừng ở mức 18.400 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, số tiền mà bà Nhung phải bỏ ra để hoàn tất giao dịch lần này ước tình là 92 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 5, VPBank đã thực hiện chi trả cổ tức tỷ lệ 10% (một cổ phiếu nhân được 1.000 đồng) được thanh toán vào ngày 31/5. Số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 7.934 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.182 tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Trong quý I, hoạt động chứng khoán (VPBankS) lãi hơn 182 tỷ đồng, bảo hiểm OPES lãi hơn 96,7 tỷ đồng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) vẫn lỗ gần 853 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 822.367 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cuối năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng 2,9% lên 582.691 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 3% lên 455.817 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, số dư nợ xấu của nhà băng này đã giảm 0,9% xuống 28.173 tỷ đồng. Nợ xấu giảm chủ yếu là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), trong khi nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều đi lên. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm từ 5,02% xuống 4,84%.

Năm 2024, ngân hàng này lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm 2023 (đạt 10.987 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng (gấp 2,14 lần năm trước), lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng (năm 2023 lỗ 3.699 tỷ đồng), Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng (tăng 52%) và Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng (gấp 5,6 lần năm 2023).

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng VPBank dự kiến mở rộng thêm 19% lên 974.270 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 898.350 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến tiến thêm 22%, lên 598.864 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng năm 2024 dự kiến đạt 25,2%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 3%.

VPBank sắp có tân Phó Tổng Giám đốc nước ngoài

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HOSE: VPB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Kamijo Hiroki giữ chức ...

Phó Tổng Giám đốc Techcombank đăng kí bán 300.000 cổ phiếu

Phó Tổng Giám đốc Techcombank vừa đăng kí bán bớt cổ phiếu TCB do nhu cầu tài chính cá nhân.

Phó Tổng Giám đốc SeABank không bán thành công số cổ phiếu SSB đăng ký

Lý do Phó Tổng Giám đốc SeABank không bán hết số cổ phiếu đã đăng ký là do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Băng Di

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán