Cổ phiếu bật tăng dù kinh doanh không có gì nổi bật
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 8/6, cổ phiếu QCG tiếp tục áp "sát trần" lên 9.910 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tính từ ngày 29/5, cổ phiếu QCG từ mức 6.210 đồng/cp đã có mức tăng gần 60% chỉ trong 9 phiên giao dịch và đều tăng kịch trần cùng khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân gần triệu cổ phiếu/phiên.
Liệu chuỗi tăng trần bất thường giống như năm 2020 của QCG có tiếp tục lặp lại? |
Mới đây, trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp, Quốc Cường Gia Lai nêu lý do giống như "văn mẫu” của các doanh nghiệp từng giải trình: "Các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường và không có bất cứ biến động nào. Công ty luôn công bố, báo cáo đầy đủ thông tin, sự kiện liên quan đến hoạt động công ty theo quy định".
“Việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp là sự việc khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. Công ty không có bất kỳ sự tác động nào làm ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán", ban lãnh đạo công ty khẳng định.
Văn bản của doanh nghiệp này cũng có đoạn nhấn mạnh, trong trường hợp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhận thấy bất cứ sự kiện hay thông tin nào làm ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai, Công ty sẽ xác minh làm rõ và phản hồi kịp thời để tạo niềm tin cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư đối với những công bố thông tin chính thống của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Thực tế, cổ phiếu QCG tăng "nóng" sau khi công ty công bố thông tin phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) về giải quyết vụ tranh chấp Quốc Cường Gia Lai khởi kiện Tập đoàn Sunny Island, với phần thắng thuộc về Quốc Cường Gia Lai.
Đây có thể là "chất xúc tác" cho cổ phiếu QCG, nhưng đà tăng được kéo dài như hiện nay được đánh giá là khá "khó hiểu", bởi ở góc độ kết quả kinh doanh – yếu tố cốt lõi để làm nên sức hấp dẫn của cổ phiếu lại không có sự tăng trưởng nổi bật.
Quý I/2023, do giá vốn cao đi kèm với chi phí tài chính tăng mạnh đã khiến Quốc Cường Gia Lai chỉ còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức trên 900 triệu đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ năm trước.
Tính tới hết quý I/2023, tổng tài sản của công ty đạt 9.734 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,17% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm xuống mức 25 tỷ đồng, tương ứng mức giảm gần 68% so với đầu kỳ.
Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai lên tới 7.094 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 72,9% tổng tài sản. Phần lớn trong đó là bất động sản dở dang, chiếm 6.589 tỷ đồng. Đây hầu hết đều là các chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng liên quan tới các dự án của công ty.
Đặc biệt, tổng nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai lên tới 5.394 tỷ đồng, với 5.095 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Phần nợ ngắn hạn hiện còn đang cao vượt cả vốn chủ sở hữu, cho thấy rủi ro hiện hữu trong cơ cấu nguồn vốn của công ty.
Liệu có lặp lại lịch sử?
Kết quả kinh doanh không có gì khả quan, cũng không hề có thông tin triển khai dự án mới đáng chú ý nào nhưng cổ phiếu QCG lại liên tiếp tăng trần khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi liệu chuỗi tăng trần bất thường giống như năm 2020 của QCG có tiếp tục lặp lại?
Được biết, giai đoạn cuối tháng 2/2020, cổ phiếu QCG cũng từng có 15 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu từ 3.620 đồng/cp lên đỉnh 10.960 đồng/cp, tương đương với việc tăng giá gấp 3 lần chỉ trong 15 phiên giao dịch. Tất nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu QCG đã đảo chiều giảm mạnh.
Thời điểm đó, Quốc Cường Gia Lai không hề có bất kỳ một thông tin dự án đáng chú ý nào được công bố. Thậm chí, báo cáo tài chính năm 2019 của công ty còn đang ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 58,4 tỷ đồng, giảm tới 41% so với cùng kỳ.
QCG lâu nay cũng được liệt vào danh sách những cổ phiếu biến động mạnh, gây "sốc" với giới đầu tư, bởi sự tăng nhanh - giảm mạnh của thị giá. Diễn biến tiêu cực của QCG luôn gắn liền với những cú lỗ, sự rút lui của các nhân vật chủ chốt, hay như vụ kiện tụng liên quan tới Sunny Island cũng khiến cổ phiếu này "bay" hơn 17,2% giá trị chỉ trong vòng 8 phiên giao dịch.
Ngoài Sunny Island, Quốc Cường Gia Lai cũng từng dính vào vụ lùm xùm với dự án Phước Kiển. Vụ việc này cũng khiến cổ phiếu QCG rơi vào vòng xoáy bị bán tháo trong một thời gian dài.
Nhìn chung, vừa qua, sự đi ngang tới mức nhàm chán của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và trung bình trong một thời gian dài đã khiến dòng tiền trên thị trường tìm đến nhóm cổ phiếu nhỏ để tận dụng biến động ngắn hạn. Theo đó, với thị giá cổ phiếu nằm dưới mệnh giá cùng một thông tin được cho là tích cực đã kích thích dòng tiền đầu cơ tìm đến cổ phiếu QCG cũng là điều rất có thể, bất chấp lợi nhuận của doanh nghiệp èo uột chưa đến 1 tỷ đồng.
Lưu ý của các chuyên gia Nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu dưới mệnh giá, bởi nhiều cổ phiếu trong nhóm này thuộc các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2022 và lỗ nặng trong quý đầu năm 2023. Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu nên là các doanh nghiệp thuộc ngành có khả năng phục hồi sớm, doanh nghiệp có sự chuyển biến trong kết quả kinh doanh, thành công trong việc cơ cấu lại, và nhóm doanh nghiệp có dòng tiền, tình hình tài chính ổn định nhất định để tồn tại qua khó khăn. |
Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 8/6/2023 Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ... |
Chứng khoán Mỹ phiên 7/6: S&P 500 và Nasdaq quay đầu giảm điểm Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite quay đầu giảm điểm trong phiên 7/6. Tuy nhiên, hai chỉ số này vẫn gần mức cao nhất ... |
Nhà đầu tư có thể “mắc kẹt” tại vùng giá cao khi dòng tiền tăng quá nhanh Chuyên gia lưu ý, thanh khoản tăng cao đột biến có thể khiến vòng quay tiền tăng mạnh hơn. Thông thường, nhà đầu tư có ... |
Nhật Hải