Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

08/09/2022 - 17:19
(Bankviet.com) Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1051/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các ủy viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng ban. Trưởng ban là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng ban. Các ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Trưởng ban chủ trì cuộc họp định kỳ theo kế hoạch và triệu tập cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo phân công từng thành viên chịu trách nhiệm: Đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn quốc.

Ban Chỉ đạo họp định kỳ ít nhất 1 lần/năm và họp bất thường khi cần thiết theo quyết định của Trưởng ban. Ngoài việc họp trực tiếp để thảo luận, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của thành viên Ban Chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định.

Kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan và nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ