Quy định quản lý hoá chất theo vòng đời sẽ hạn chế mua bán xyanua?

10/07/2024 - 02:47
(Bankviet.com) Hàng loạt các vụ đầu độc bằng xyanua diễn ra trong thời gian qua đã gây hoang mang cho dư luận. Vậy xyanua là chất gì và mức độ độc hại ra sao?.
Chất xyanua là chất gì, nhiễm độc xyanua có nguy hiểm không? Vụ đầu độc bằng xyanua ở Đồng Nai: Giật mình chất độc mua bán rất dễ trên mạng Hàng loạt vụ án đầu độc bằng xyanua, hóa chất này nguy hiểm như thế nào?

Liên tiếp các vụ giết người bằng xyanua

Dư luận mấy ngày nay đang bàng hoàng trước thông tin một người phụ nữ ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai dùng xyanua giết hại 4 người thân của mình.

Cụ thể, nghi phạm là Nguyễn Thị Hồng Bích, 38 tuổi. Người bị Nguyễn Thị Hồng Bích hại chết là anh N.T.T.T (39 tuổi, chồng Bích); và 2 cháu ruột là bé N.K.D (7 tuổi, con của em gái Bích) và bé N.H.N (12 tuổi, con của anh trai Bích).

Và đến ngày 22/6, Bích tiếp tục bỏ xyanua vào viên con nhộng rồi đưa cho cháu N.H.B.T. (18 tuổi, con của anh trai Bích) uống. Sau khi uống thuốc, T. rơi vào hôn mê, mất tri giác, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy T. bị ngộ độc chất xyanua. Và cũng từ đây, sự thật về các cái chết bí ẩn của những người trong một gia đình mới dần được hé lộ.

Trước đó, năm 2019, dư luận cũng bàng hoàng về việc cô gái (Thái Bình) sau một thời gian có quan hệ với một người đàn ông đã có vợ đã cố tình bỏ chất xyanua vào trà sữa nhằm đầu độc vợ của người đàn ông, đồng thời cũng là chị họ của mình, nhưng lại khiến một nữ điều dưỡng của Bệnh viện Phổi Thái Bình tử vong.

Quy định quản lý hoá chất theo vòng đời sẽ hạn chế mua bán xyanua?
Chai nhựa chứa chất xyanua được cơ quan chức năng tìm thấy theo lời khai của nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích

Mức độ độc hại của xyanua ra sao?

Xyanua là một chất kịch độc thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừa sâu… Đặc biệt, xyanua cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng tươi, khoai mì, cao lương (hạt bo bo), các loại quả hạch (mơ, táo, đào…) và hạt hạnh nhân… hoặc các thực vật bị nhiễm nấm.

Xyanua có thể nhiễm vào cơ thể thông qua đường da, đường ăn uống hoặc đường hô hấp. Cơ chế gây ngộ độc của xyanua là gây ức chế hô hấp tế bào, gây ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, tác động tới các cơ quan trọng yếu như não và tim. Thông thường, một người trưởng thành khỏe mạnh có thể tử vong trong vòng 3-5 phút sau hấp thụ 50mg xyanua.

Ngay sau khi tiếp xúc với xyanua, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích động, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, mất phản xạ...

Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc nặng nếu sống sót có thể để lại các di chứng như yếu liệt, rối loạn vận động giống hội chứng giống Parkinson…

Chất kịch độc Xyanua (Ảnh: Internet).
Chất kịch độc Xyanua (Ảnh minh họa)

Mua bán xyanua phải có phiếu kiểm soát?

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Xyanua là hóa chất vô cơ có chứa nhóm -CN, xuanya được sử dụng trong một số ngành như công nghiệp mạ kim loại, khai thác vàng,… Xyanya là hợp chất độc có thể gây chết người với liều lượng tương đối thấp, theo đó việc dùng chất độc hại người là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hóa chất hiện nay.

Việc quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất xyanua trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay tương đối chặt chẽ và được thực hiện theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 82/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Các quy định quản lý hóa chất xyanua cụ thể như sau: Thứ nhất, đối với việc nhập khẩu hóa chất: Khi doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất xyanua phải thực hiện khai báo hóa chất tại Cổng thông tin Một cửa quốc gia (khoản 14 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP). Theo đó, các hóa chất khai báo trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia chỉ mất 20 giây để có phản hồi tự động từ Hệ thống. Tuy nhiên, đối với hóa chất xyanua cần thời gian 16 giờ làm việc để Cơ quan quản lý nhà nước có thời gian kiểm tra hồ sơ bao gồm các thông tin: Giấy phép kinh doanh, khối lượng nhập theo Giấy phép...

Thứ hai, đối với việc sản xuất, kinh doanh: Hóa chất xyanua thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế (Điều 14, 15 Nghị định 113/NĐ-CP và khoản 9 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP).

Thứ ba, đối với việc kinh doanh trong nước: Hóa chất xyanua là hóa chất độc vì vậy khi mua bán phải có phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc (Điều 19 Nghị định 113/NĐ-CP).

Thứ tư, xây dựng Kế hoạch/Biện pháp ứng phó sự cố hóa chất: Với lượng lưu trữ trên mức đưa ra đơn vị lưu trữ hóa chất xyanua phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất (Điều 20 Nghị định 113/NĐ-CP và khoản 10 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP) hoặc nếu ở mức thấp hơn phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất (Điều 21 Nghị định 113/NĐ-CP và khoản 11 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP).

Thứ năm, đối với việc sử dụng: Tổ chức, cá nhân mua hóa chất để sử dụng phải đảm bảo đủ các yêu cầu quy định tại Chương V của Luật Hóa chất”.

Thứ sáu, báo cáo hàng năm: Hàng năm, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện báo cáo các hoạt động liên quan đến xyanua theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Nghị định 113/NĐ-CP.

Mặc dù có quy định rõ ràng, nhưng thời gian qua nhiều đối tượng vẫn lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng, lợi dụng mua bán và sử dụng sai mục đích hóa chất nguy hiểm, gây hoang mang cho cộng đồng, xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương soạn thảo và xin ý kiến đã đề cập đến nội dung Quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời. Với sự thay đổi này, nhiều chuyên gia kỳ vọng, tình trạng mua bán chất xyanua sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Nguyễn Hòa - Lan Anh

Theo: Báo Công Thương