VNDirect: Lợi nhuận trước thuế quý II/2023 của Top 25 ngân hàng đạt 61.600 tỷ đồng Quý III/2023: Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc, nhiều "ông lớn" tăng trưởng âm Nợ xấu "chực chờ" khiến lợi nhuận ngân hàng kém "sáng" |
Bức tranh lợi nhuận quý III/2023 của các ngân hàng dần lộ diện. Theo đó, đa số lợi nhuận của các nhà băng đến từ thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, một vài ngân hàng lãi đến từ việc mua bán chứng khoán. Trong khi đó, nợ xấu cũng được cho là nguyên nhân khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 5.223 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm.
Kết quả tích cực này đến từ sự điều phối nhịp nhàng giữa quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời của MSB. Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm, MSB đã đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Kết thúc 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.567 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm còn 31,6%, thấp hơn mức 34,8% cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc quý III/2023, tổng tài sản MSB tăng 17% so với cuối năm trước, lên hơn 249.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 17% đạt gần 141.244 tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng trung bình ngành. Tiền gửi khách hàng tăng 11%, đạt 129.618 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
MSB đã đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng |
Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Lũy kế 9 tháng, ACB công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp lớn từ nguồn thu ngoài tín dụng.
Tính đến hết tháng 9/2023, tổng tài sản của ACB tăng 6,7%, đạt hơn 648.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 8,7% so với đầu năm, cao hơn mặt bằng chung của ngân hàng, đạt gần 450.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,6% so với đầu năm, lên mức 445.500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, không ít ngân hàng đang ghi nhận sự giảm tốc về lợi nhuận sau 9 tháng.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) dù dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế 9 tháng trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính với 17.115 tỷ đồng nhưng mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ.
Không ít ngân hàng đang ghi nhận sự giảm tốc về lợi nhuận sau 9 tháng |
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thu hút 2,2 triệu khách hàng mới trong 9 tháng đầu năm. Thu nhập từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và dịch vụ bảo hiểm đạt mức tăng trưởng đáng kể trong quý III, qua đó giúp duy trì đà tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Techcombank đạt 781.300 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 11,4% so với đầu năm, đạt ngưỡng 495,4 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm. Đáng chú ý, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng quý thứ 2 liên tiếp, đạt 137.600 tỷ đồng, củng cố đà tăng CASA của ngân hàng.
Chi phí hoạt động của Techcombank trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 5,8% lên mức 9,6 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ CIR tăng lên mức 33,2%. Chi phí dự phòng tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,4%, trong nhóm thấp toàn ngành.
“Với kết quả đạt được trong quý III/2023, Techcombank tin tưởng sẽ đạt mục tiêu lợi nhuận và chất lượng tài sản đã đề ra cho cả năm”, ông Jens Lottner nhấn mạnh.
Không riêng Techcombank, nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK)…
Trong báo cáo tài chính quý III/2023, VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ trong quý III/2023 đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lợi nhuận quý III của TPBank đạt 1.263 tỷ đồng, giảm 26,22% so với cùng kỳ và giảm 2,3% so với quý II/2023.
Theo các ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm trong quý III là do tình hình kinh doanh ảm đạm trong thời gian vừa qua.
Lãnh đạo TPBank cho biết, bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định và chưa có nhiều khởi sắc, cùng với việc TPBank thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, đã dẫn đến kết quả kinh doanh của ngân hàng chưa đạt được như kỳ vọng.
Đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần với giá trị đạt 2.963 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ với giá trị gần 666 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán cũng giúp lợi nhuận của TPBank không sụt giảm sâu.
Tại ABBANK, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, lợi nhuận đạt thấp do thu nhập lãi thuần giảm và tăng trích lập dự phòng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2023 của ABBANK chỉ đạt 646 tỷ đồng và chủ yếu từ hoạt động dịch vụ. Lãnh đạo ABBANK lý giải, lợi nhuận giảm cũng là tình hình chung trong hệ thống ngân hàng khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh, cùng sự suy giảm ở một số mảng hoạt động và tổng cầu thị trường thấp, tình hình kinh tế xã hội có cải thiện nhưng còn khó khăn.
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBANK nhận định: “Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của ABBANK. Tuy vậy, chúng tôi đang kiên trì từng bước cải thiện các mảng hoạt động, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, hướng tới thúc đẩy kinh doanh, quản trị rủi ro hiệu quả và tối ưu hóa chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, ABBANK cũng phát động nhiều chương trình nội bộ nhằm khuyến khích, đồng hành cùng cán bộ nhân viên trong các nhiệm vụ kinh doanh, lan tỏa sự hăng say với công việc từ đó cải thiện năng suất lao động”.
Ngân Thương